Từ xa xưa, mật ong đã được sử dụng như một phương thuốc dân gian, trị rất nhanh cảm lạnh, ho, nhiễm trùng đường hô hấp. Ngày nay, y học hiện đại chứng minh rằng mật ong tuy chứa rất ít calo, không có chất béo, cholestreol, nhưng lại chứa đầy đủ các vitamin, các enzyme, axit amin và các khoáng chất như canxi, sắt, natri clorua, magiê, phosphate và kali.
Trong Đông y mật ong có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ích khí, bổ hư tổn, thanh nhiệt, nhuận táo, giải độc, giảm đau, sát trùng, uống lâu dài làm sáng tai mắt, yên ngũ tạng, kiện toàn sức khỏe, chống lão hóa…
Dù được xem là vị thuốc tốt cho sức khỏe nhưng mật ong sẽ rất nguy hiểm khi được dùng sai thời điểm, kết hợp sai thực phẩm và dùng sai đối tượng. Nếu muốn dùng mật ong hiệu quả, bạn nên tránh xa 7 sai lầm dưới đây.
Những sai lầm khi dùng mật ong "độc khủng khiếp"Uống mật ong khi vừa ngủ dậy
Vừa ngủ dậy bụng còn trống rỗng nếu vội uống nước mật ong hay nước chanh mật ong ngay sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, làm hại dạ dày, gây ra triệu chứng đau bụng, tiêu chảy.
Hơn nữa, mật ong chứa nhiều đường, có thể gây lượng đường trong máu tăng cao, nếu bệnh nhân tiểu đường, đường huyết cao sử dụng mật ong vào thời điểm đói bụng thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Do đó, mọi người nên uống một cốc nước ấm, ăn nhẹ thứ gì đó rồi mới nghĩ đến việc uống nước mật ong hay nước chanh mật ong.
Bảo quản mật ong sai cách
Nếu bảo quản mật ong không đúng cách, mật ong có thể mất một số đặc tính kháng khuẩn, bị nhiễm khuẩn hoặc bắt đầu biến chất, gây hại đến người dùng.
Bạn nên để mật ong trong bình, lọ thủy tinh và hộp thép không gỉ có nắp đậy kín. Nên đặt chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát: Mật ong lý tưởng nên được bảo quản dưới 50°F (10°C). Tuy nhiên, bảo quản ở nhiệt độ phòng mát từ 50–70°F (10–20°C) nói chung vẫn tốt.
Cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong
Mật ong trong quá trình vận chuyển hay pha chế đều dễ bị ô nhiễm botulinum, các bào tử này vẫn có thể tồn tại cả trong nhiệt độ 100 độ C.
Trong khi đó, trẻ nhỏ có chức năng tiêu hóa, chức năng thải độc gan chưa hoàn chỉnh khiến cho botulinum dễ dàng xâm nhập vào thành ruột, gây ngộ độc. Kể cả khi trẻ đã lớn hơn 1 tuổi thì phụ huynh vẫn nên cho trẻ dùng mật ong đúng liều lượng phù hợp.
Người tiểu đường vẫn dùng mật ong
Mật ong chứa nhiều glucose và fructose - các loại đường đơn giản, có thể được hấp thụ trực tiếp vào máu.
Bệnh nhân tiểu đường nếu thường xuyên sử dụng mật ong sẽ làm cho lượng đường trong máu gia tăng rất nhanh khiến họ có nguy cơ phải đối diện với nhiều biến chứng tiểu đường.
Tốt nhất người tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng mật ong.
Kết hợp mật ong với hành tây
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), mật ong đại kỵ hành tây.
Nếu ăn kèm sẽ làm axit hữu cơ, enzyme trong mật ong gặp axit amin chứa lưu huỳnh trong hành tây, nảy sinh phản ứng hóa học có hại, hoặc sản sinh chất có độc, dễ khiến kích thích dạ dày, tiêu chảy hoặc ngộ độc.
Pha mật ong cùng nước nóng
Pha mật ong với nước nóng là một sai lầm nghiêm trọng của nhiều người Việt. Thói quen này không chỉ khiến mật ong bị biến vị mà còn phá hoại nhiều thành phần dinh dưỡng có trong chúng.
Lý do là bởi mật ong có chứa một số lượng lớn dung môi ôxy hóa, việc dùng nước sôi nóng pha mật ong có thể khiến cho những chất dung môi này bị phá hoại, có thể sản sinh ra nhiều đường andehit gốc OH và khiến cho thành phần dinh dưỡng của mật ong bị biến đổi rất lớn.
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng nước nóng trên 60 độ C pha mật ong sẽ làm tăng đáng kể hydroxymethyl furfuraldehyde (HMF) - đây là một chất gây ung thư trong tự nhiên.
Dùng quá nhiều mật ong trong một lúc
Mật ong tốt nhưng không vì thế mà chúng ta nên lạm dụng. Mỗi lần pha chỉ nên dùng từ 2-3 muỗng mật ong, nếu sử dụng quá nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu do mật ong rất giàu đường và carbohydrate.
Ngoài ra, việc lạm dụng mật ong cũng có thể khiến bạn bị đầy hơi hoặc tiêu chảy vì cơ thể không thể tiêu hóa quá nhiều đường cùng một lúc.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)