Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Đạt, Hội Nội tiết TP.HCM, caffeine làm tăng huyết áp đáng kể trong thời gian ngắn ngay cả với người bình thường không mắc bệnh.
Caffeine có trong cà phê là chất kích thích phổ biến, còn được tìm thấy trong một vài loại trà, chocolate, nước tăng lực, nước ngọt và thuốc. Một tách cà phê trung bình chứa khoảng 100mg caffeine, trong khi một lon nước ngọt chứa 40 mg.
Cơ chế gây tăng huyết áp của caffeine vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số nghiên cứu nhận thấy caffeine có tác dụng đối kháng với loại hormone giúp giãn động mạch, từ đó làm tăng và rối loạn nhịp tim. Có quan điểm khác cho rằng caffeine kích thích tuyến thượng thận tiết ra nhiều adrenalin khiến huyết áp tăng lên nhanh chóng.
Nhiều thử nghiệm ghi nhận uống từ 200 - 300mg caffeine có thể làm tăng huyết áp tâm thu thêm 8 mmHg và huyết áp tâm trương thêm 6 mmHg. Tuy nhiên tác dụng đó chỉ kéo dài trong khoảng 3 giờ. Những người không thường xuyên tiêu thụ cà phê có thể bị tăng huyết áp sau khi uống, nhưng chỉ trong 2 - 3 ngày, sau đó huyết áp trở lại mức ban đầu.
Theo bác sĩ Đạt, việc uống cà phê lâu dài có là nguy cơ gây tăng huyết áp hiện vẫn còn đang tranh cãi. Một số người thường xuyên uống cà phê thấy huyết áp trung bình cao hơn những người không uống. Tuy nhiên, những người này sẽ phát triển khả năng “chịu đựng” với caffeine. Do đó, caffeine sẽ không có tác động lâu dài đến huyết áp người sử dụng.
Vài bằng chứng gần đây cũng cho thấy uống cà phê thường xuyên với lượng vừa phải có tác dụng có lợi đối với huyết áp, đồng thời không làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch.
Uống cà phê như thế nào là tốt cho sức khỏe?
Cà phê là một nguồn phong phú các khoáng chất cần thiết cho cơ thể bao gồm kali, magie, mangan, niacin và chất xơ hòa tan. Theo thông tin từ Hội Tim mạch Việt Nam, hạt cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa, từ đó giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường, đột quỵ.
Tuy nhiên, caffeine là một chất gây nghiện mức độ nhẹ, sử dụng quá nhiều cà phê có thể gây ra hồi hộp, bồn chồn, run tay chân cho một số người. Uống quá nhiều cà phê có thể làm tăng cholesterol.
Để tốt cho sức khỏe, bác sĩ Đạt khuyên không thêm đường và sữa đặc hay cho kem tươi; Nên chọn cà phê nguyên chất, rang sơ, xay vừa phải; Uống sau bữa ăn và tránh uống vào buổi chiều muộn hay trước khi hoạt động thể lực gắng sức.
Ai nên dừng ngay?
Cà phê giúp nhiều người tỉnh táo, tập trung, nhưng lại khiến một số người xuất hiện triệu chứng khó chịu dù chỉ uống với lượng rất ít. Ngoài ra còn có những ảnh hưởng bất lợi của cà phê trên một số bệnh lý.
Vì vậy, theo lời khuyên của bác sĩ Đạt, nên ngừng uống cà phê khi mắc phải một số vấn đề như khó ngủ; lo lắng, bồn chồn; đang dùng thuốc an thần; hoặc mắc các bệnh lý như: Sỏi thận, loãng xương, thiếu máu thiếu sắt, trào ngược dạ dày và ợ chua, rối loạn nhịp tim hay hội chứng ruột kích thích hay tiêu chảy.
Các bác sĩ cũng khuyên người dân không nên lạm dụng, uống quá nhiều cà phê trong ngày, tránh tình trạng "say" cà phê một số người gặp phải.
Theo Võ Thu (VietNamNet)