Leonardo Da Vinci có thể là nhà phát minh ban đầu của kính áp tròng - năm 1508 ông đã làm một số phác thảo giống như một nguyên mẫu ban đầu. Ngày nay ở Anh có ba triệu người đeo kính áp tròng và nếu còn sống Da Vinci chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì điều này.
Mặc dù đối với hầu hết mọi người đeo kính áp tròng an toàn và hiệu quả nhưng vẫn có những rủi ro nếu dùng kính không đúng.
Không đeo kính áp tròng khi tắm, đi bơi
Tiến sĩ Cindy Tromans, một chuyên gia tư vấn về mắt tại Bệnh viện mắt Hoàng gia Manchester nói rằng bơi lội và thậm chí tắm rửa mà vẫn đeo kính áp tròng là điều tuyệt đối không được làm.
"Có một sinh vật - một loại amip gọi là acanthamoeba - sống trong nguồn cung cấp nước sinh hoạt, và nếu bạn tắm hoặc bơi trong khi vẫn đeo kính áp tròng, thì nó có thể bị kẹt dưới kính và sau đó đi vào mắt, gây hại cho mắt.
"Mặc dù các ca nhiễm trùng mắt do nguyên nhân này rất hiếm gặp nhưng có một thực tế là tình trạng nhiễm trùng này nếu xảy ra sẽ rất khó giải quyết. Thông thường, việc điều trị bằng thuốc có thể diễn ra trong một thời gian dài, và trong trường hợp nặng, một số bệnh nhân thậm chí cần phải cấy ghép giác mạc", Tiến sĩ Tromans nói.
Triệu chứng phổ biến khi bị nhiễm trùng amip acanthamoeba là: Đau mắt, thị lực mờ... và có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề mắt thường gặp như viêm kết mạc.
Nếu bạn thật sự phải đeo kính áp tròng, hãy đeo kính bảo hộ ở ngoài cùng và lấy kính áp tròng ra ngay khi rời khỏi nước. Vì lý do tương tự, bạn đừng bao giờ rửa kính áp tròng trong nước máy.
Không đeo kính áp tròng liên tục
Đeo kính áp tròng khi đi ngủ sẽ ngăn cản oxy trong nước mắt đến giác mạc - lớp trong suốt ở phía trước của mắt. Điều này có thể dẫn đến loét giác mạc và nhiễm trùng do vi khuẩn, vì không có oxy mà giác mạc sưng lên.
Một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí Nhãn khoa cho thấy nguy cơ phát triển viêm giác mạc có thể đe dọa thị giác - đã tăng gấp 6,5 lần với những người đi ngủ vẫn đeo kính áp tròng.
Nếu bạn hay đeo kính áp tròng thì điều quan trọng là phải kiểm tra thường xuyên, vì tình trạng của mắt có thể không được chú ý nhiều cho đến khi phát hiện ra các triệu chứng như mắt đỏ, mắt bị kích thích. Tốt nhất nên thay kính áp tròng bằng kính gọng để mắt có thời gian nghỉ ngơi.
Không đeo kính áp tròng khi bị cảm lạnh
Khi bị cảm lạnh hay sốt rét, hãy bỏ kính áp tròng ra và đeo kính gọng bình thường vì khi bị sốt, mắt sẽ có cảm giác bị ngừa và có thể cần nhỏ thuốc nhỏ mắt nhiều lần trong ngày mà không thể lấy kính áp tròng ra vào liên tục được. Mắt ngứa và cọ sát vào kính áp tròng nhiều có thể gây mài mòn trên giác mạc, dẫn đến bị nhiễm trùng.
Nguy cơ mắc bệnh viêm kết mạc do virus tăng lên khi người bệnh bị cảm lạnh vì hệ miễn dịch lúc đó sẽ thấp. Dùng kính áp tròng thời điểm này có thể dẫn đến tình trạng hỏng giác mạc.
Cẩn thận khi chọn mua và dùng kính
Nếu đeo kính áp tròng, hãy kiểm tra mắt mỗi năm một lần. Thời gian thay đổi, công nghệ tiến bộ có nghĩa là kính áp tròng cũng ngày càng được làm bằng chất liệu thoải mái hơn, hoặc với lượng nước cao hơn để cho phép có nhiều oxy hơn.
Ceri Smith-Jaynes, phát ngôn viên của Hiệp hội các bác sỹ nhãn khoa khuyến cáo người dùng nên kiểm tra ngày hết hạn sử dụng và thường xuyên dùng nước khử trùng làm sạch kính trước khi tái sử dụng. Nếu hết hạn sử dụng, đừng cố dùng vì khi không còn hạn sử dụng, kính sẽ không ở trạng thái vô trùng và có thể khiến mắt bị nhiễm khuẩn và kích ứng mắt.
Theo Hng (Trí Thức Trẻ)