Đường là một thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng bên cạnh lợi ích, đường gây ra rất nhiều tác hại, thậm chí được giới y học gọi là "sát thủ giết người thầm lặng". Vì sao món ăn ngọt ngào như vậy lại ẩn chứa những "cay đắng"?
Ăn một chút đường sẽ làm tăng năng lượng trong khoảng một thời gian ngắn, nhưng bạn sẽ rất khó kiểm soát lượng đường ăn vào hàng ngày. Hầu hết các loại đồ ăn vặt, đồ uống, nước ngọt đều chứa một lượng đường rất lớn. Ai cũng biết rằng, chỉ cần uống một lon nước ngọt, là bạn phải nhịn đường trong suốt cả ngày.
Nếu không thể kiểm soát lượng đường ăn vào, bạn sẽ phải đối mặt với 6 nhóm bệnh sau đây.
1. Mất cân bằng dinh dưỡng, ăn không ngon miệng
Thường xuyên ăn đồ ngọt sẽ làm giảm sự nhạy cảm hương vị, ức chế tiết acid dạ dày, ảnh hưởng tiêu hóa và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Đây cũng là nguyên nhân dễ dàng làm cho trẻ em biếng ăn, kén ăn, ăn uống khó hấp thụ và các vấn đề khác.
2. Béo phì
Duy trì chế độ ăn nhiều đường trong thời gian dài sẽ làm cho cơ thể bị quá tải, đường sẽ chuyển hóa thành chất béo tích tụ lại trong cơ thể, dẫn đến béo phì. Không những thế, béo phì chính là yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh như tiểu đường, mỡ máu cao, tim mạch và mạch máu não.
3. Sâu răng
Trẻ em thường có thời gian ngủ lâu hơn người lớn. trong khi ngủ, khoang miệng gần như ở trong trạng thái nghỉ ngơi, giảm sự bài tiết của nước bọt, khả năng làm sạch răng tự nhiên bị suy yếu, tạo điều kiện có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.
Trong thời gian đó, nếu lượng đường còn lại trong miệng sẽ dễ bị phân hủy bởi quá trình lên men của vi khuẩn, tạo ra các chất có tính axit, có thể ăn mòn răng.
4. Ảnh hưởng đến chỉ số IQ
Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em ăn kẹo sẽ bị ảnh hưởng đến bữa ăn hàng ngày, làm giảm lượng protein và vitamin trong các bữa ăn chính. Trẻ em ở trong giai đoạn phát triển trí não mạnh mẽ nhất, nếu thiếu chất đạm và nhiều loại vitamin, sẽ làm não phát triển trong tình trạng thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh.
5. Hội chứng tổng hợp do ăn ngọt
Đường glucose trải qua quá trình phân giải trong cơ thể cần thêm các enzyme chứa vitamin B1. Trong khi đó, cơ thể lại không thể tự tổng hợp vitamin B1 mà phải nhờ sự hấp thu từ thực phẩm. Do đó, khi ăn nhiều đồ ngọt, không chỉ làm tăng tiêu thụ vitamin B1, mà còn làm giảm sự thèm ăn và ảnh hưởng đến sự phân hủy glucose, tạo ra nhiều sản phẩm trung gian (như axit lactic).
Các chất này tích tụ trong não, ảnh hưởng đến hoạt động của não và gây ra một triệu chứng gọi là "Hội chứng tổng hợp do ăn ngọt". Sau khi trẻ em ăn vào sẽ gây ra các phản ứng như bực bội, tinh thần không tập trung, hay khóc và các vấn đề khác.
6. Cận thị
Yếu tố di truyền, hoặc mắt bị mệt mỏi lâu ngày, sử dụng mắt thiếu lành mạnh là những yếu tố nguy cơ gây ra cận thị. Nhưng nếu trẻ em nếu ăn quá nhiều hoặc ăn thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao trong khi các yếu tố vi lượng và vitamin giảm sẽ làm giảm tính đàn hồi mô trong mắt, tầm nhìn trục mắt kéo dài, dẫn đến cận thị.
Lưu ý:
Trẻ em ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều có chung thói quen thích ăn ngọt, vì vậy cần phải phát triển một thói quen lành mạnh cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, để tránh sự phụ thuộc vào các loại đồ ngọt.
Lượng đường ăn hàng ngày không được vượt quá trọng lượng trẻ theo tỉ lệ 0,5 gram/kilogram. Nếu trẻ nặng 15 kg, lượng đường ăn hàng ngày không được vượt quá 7,5 gram (15 kg x 0,5 gram).
Theo Vân Hồng (Soha/Trí Thức Trẻ)