Vệc đeo kính áp tròng làm biến đổi màu sắc của mắt không được các bác sĩ khuyến khích. Tuy nhiên nhiều người đã lạm dụng loại kính này dẫn đến những mối nguy ít ai ngờ.
Tiến sĩ Edward Manche từ Bệnh viện Stanford (Mỹ) cũng khuyến cáo rất nhiều bạn trẻ mua kính áp tròng trên mạng hoặc mượn từ bạn bè, dẫn đến sử dụng sai cách vì không được chỉ dẫn đầy đủ. Điều này sẽ khiến mắt tăng nguy cơ viêm nhiễm và giảm thị lực nhanh chóng.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Kính áp tròng lợi hay hại?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, TS.BS Đỗ Quang Ngọc, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho hay bản thân kính áp tròng không có hại nhưng nếu dùng không đúng cách, nó hoàn toàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đôi mắt.
Theo TS Ngọc kính áp tròng có đường kính nhỏ, được đeo trong mắt với nhiều loại khác nhau.
"Kính được chỉ định sử dụng trong các trường hợp điều trị tật khúc xạ của mắt như cận, viễn, loạn thị thay cho kính gọng thông thường hoặc một số bệnh của giác mạc.
Ở phương Tây, người ta dùng loại kính này rất nhiều do khắc phục được hiện tượng vướng khi đeo, tăng tính thẩm mỹ, đặc biệt với người có công việc đặc thù như thể thao, văn nghệ”, TS Ngọc cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp học sinh, sinh viên, dân văn phòng, những người hoạt động trong giới nghệ thuật,… gặp các vấn đề về mắt có nguyên nhân từ kính áp tròng.
Trong đó, phổ biến nhất là hiện tượng nhức, đau mắt, viêm loét giác mạc. Nguyên nhân là dùng kính không rõ nguồn gốc, sai cách cách, vệ sinh bẩn...
Bên cạnh việc đeo kính áp tròng để chữa các tật khúc xạ, phần đa bạn trẻ hiện nay dùng các loại kính làm biến đổi màu mắt và giúp mắt to hơn. Những loại kính này được mua bán dễ dàng trên mạng, thậm chí chợ đêm nên không tránh được hàng trôi nổi, hàng rởm. Đây chính là lý do khiến số lượng bạn trẻ đến điều trị các bệnh liên quan đến giác mạc tăng.
“Những người mua các loại kính áp tròng vì mục đích làm đẹp không có chỉ định hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nhãn khoa sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng khi thực hiện thao tác lắp kính áp tròng vào mắt vì bản thân những loại kính này không ai bảo đảm về chất lượng và độ an toàn”, TS Ngọc khuyến cáo.
Thực tế, việc đeo kính áp tròng làm biến đổi màu sắc của mắt không được các bác sĩ khuyến khích. Nhiều người đã lạm dụng loại kính này dẫn đến các biến chứng như khô mắt, đau mắt, xước trợt/loạn dưỡng/viêm nhiễm hoặc loét giác mạc.
Ngoài ra, lạm dụng loại kính này còn khiến cho mắt bị thiếu oxy qua trao đổi ở vùng giác mạc. Trường hợp nặng nhất có thể gây mù.
Dùng sao cho an toàn?
Theo TS Đỗ Quang Ngọc, người dùng nếu tuân thủ đúng các quy trình cũng như bảo quản mắt kính chuẩn, việc dùng kính áp tròng không hề có hại.
Bạn chỉ nên đeo tối đa 8-12 tiếng/ngày, tháo khi ngủ. Sau khi dùng, bạn còn cần phải vệ sinh kính thật sạch với sản phẩm chuyên dụng, bảo quản kính bằng dung dịch dưỡng tra hàng ngày, thay định kỳ.
“Những người muốn sử dụng kính áp tròng nên khám kiểm tra mắt và nhận tư vấn trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa mắt. Việc mua kính cần đảm bảo kính đạt tiêu chuẩn ở các cơ sở kính mắt uy tín, không nên mua những loại kính trôi nổi ngoài thị trường, đặc biệt là các loại kính áp tròng mang màu sắc vì có thể nhiễm các hóa chất tạo màu”, TS Ngọc thông tin thêm.