Theo bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, Phòng khám Gia đình TP HCM, khi nhiễm Covid-19, chúng ta cần phân tầng nguy cơ của mình để lựa chọn cách tự theo dõi, điều trị bệnh tại nhà hay tới các cơ sở y tế.
Việc phân tầng nguy cơ này là vô cùng quan trọng bởi có nhiều bệnh nhân ngay khi phát hiện mắc bệnh, cơ thể đang rất bình thường nhưng chỉ một vài ngày sau đó, tình trạng sức khỏe có thể xấu đi.
Theo đó, bác sĩ Thịnh cho biết bệnh nhân được chia làm 2 nhóm:
Nhóm đã viêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19
Bác sĩ Thịnh cho biết, cho tới thời điểm này, tỷ lệ phủ vaccine ở Việt Nam khá cao, với 70% dân số đã được tiêm 3 mũi vaccine và trên 90% đã tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ này đã giúp cho chúng ta giảm thiểu được số ca nhiễm bệnh hoặc tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 rất nhiều, cụ thể nguy cơ nhiễm trong cộng đồng giảm 6,1 lần và tỷ lệ tử vong giảm 11,3 lần (tính trên những người nhiễm biến thể Delta).
Tuy nhiên, ở nhóm này vẫn có những người có nguy cơ cao trở nặng đó là những người đang bị bệnh tiểu đường, béo phì hoặc có bệnh nền chưa ổn định như tăng huyết áp. Nhóm bệnh nhân này có thể lựa chọn điều trị tại nhà nhưng cần theo dõi đặc biệt khắt khe hoặc có thể nhập viện điều trị tùy theo tình hình tại từng địa phương.
Nhóm chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19
Nhóm này bao gồm những người chưa tiêm mũi nào, đã tiêm 1 mũi hoặc đã tiêm mũi 2 nhưng chưa đủ 14 ngày.
Những người có nguy cơ cao trong nhóm này đó là:
- Người lớn tuổi: Trong những đợt dịch trước, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine còn thấp, những trường hợp tử vong do Covid-19 đa phần là người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là người trên 80 tuổi.
- Người có các bệnh nền như ung thư, HIV, suy thận mạn, chạy thận nhân tạo, viêm gan mạn tính, béo phì, tiểu đường.
- Phụ nữ có thai.
Bác sĩ Thịnh khuyên rằng nhóm bệnh nhân này nên đến viện để điều trị bệnh hoặc tùy tình hình từng địa phương, bệnh nhân nên cẩn thận cân nhắc lựa chọn nơi điều trị cho mình.
PN (Nguoiduatin.vn)