Nhiều người sử dụng điện thoại của họ cho đến khi chìm vào giấc ngủ, sau đó, chiếc điện thoại để ở trên giường hoặc sạc gần đó cả đêm. Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ có thể gây ra giấc ngủ kém chất lượng.
Tuy nhiên, còn khi chúng ta ngủ thì sao? Việc để điện thoại ở gần có ảnh hưởng đến chúng ta không và có bất kỳ rủi ro sức khỏe nào liên quan đến việc ngủ gần thiết bị này mỗi đêm không?
Ngủ bên cạnh điện thoại có làm tăng nguy cơ ung thư không?
Mọi người đã lo lắng về các thiết bị điện tử phát ra bức xạ trong một thời gian dài. Có bao nhiêu phần trăm sự thật cho những mối quan tâm trên?
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, điện thoại di động phát ra bức xạ, và bức xạ có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, bức xạ phát ra từ điện thoại của bạn không được coi là nguy hiểm.
Bức xạ ion hóa, được phát ra từ tia X và radon, có thể gây tổn thương ADN, làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, bức xạ phát ra từ điện thoại di động, được gọi là bức xạ tần số vô tuyến, không ion hóa, nghĩa là nó không gây tổn thương ADN.
Hơn nữa, nó không phải là nguồn bức xạ duy nhất trong cuộc sống hàng ngày, bức xạ tần số vô tuyến được phát ra từ tín hiệu radio và TV, lò vi sóng và Wi-Fi,...
Năm 2014, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại trường điện từ từ điện thoại thông minh là "có thể gây ung thư cho con người". Tuy nhiên, tổ chức này đã không tìm thấy nguy cơ mắc bệnh ung thư khi sử dụng điện thoại thông minh trong hơn 10 năm. Các nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự mặc dù Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ chỉ ra rằng đó là một điều khó nghiên cứu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu bạn cảm thấy lo lắng về sự ảnh hưởng có thể xuất hiện giữa điện thoại di động và ung thư, hãy cân nhắc hạn chế sử dụng điện thoại di động ít nhất có thể.
Điện thoại khiến giấc ngủ của bạn trở nên tồi tệ hơn
Mọi người đều đồng ý rằng sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ là không tốt. Màn hình sáng làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của chúng ta và ngăn không cho não của chúng ta "tắt".
Vậy việc để điện thoại bên cạnh khi bạn đang thực sự ngủ sẽ ảnh hưởng như nào đến giấc ngủ? Hầu hết mọi người thức dậy một vài lần trong đêm. Có thể bạn sẽ muốn lấy điện thoại của mình vào những lúc bạn đang vật lộn để ngủ lại.
Luồng ánh sáng chiếu vào mắt bạn và cuộn "nhanh" qua Facebook, Instagram hay các trang web sẽ không giúp bạn ngủ lại. Nó báo hiệu cho não và cơ thể của bạn rằng thời gian ngủ đã hết và điều đó hoàn toàn ngược lại với những gì bạn muốn.
Nếu bạn ngủ gật và để điện thoại bên cạnh còn gây ra nhiều bất lợi hơn. Một tiếng bíp hoặc âm thanh khác phát ra từ điện thoại di động là đủ để đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ.
Nếu điện thoại báo hiệu có cuộc gọi hoặc tin nhắn đến, bạn có thể buộc phải thức dậy hoàn toàn để trả lời. Nếu chọn không trả lời, bạn có thể nằm thao thức trên giường và suy nghĩ xem ai đang gọi hoặc nhắn tin cho mình.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, hơn 61% số người trả lời khảo sát cho biết họ ngủ không ngon giấc, và có một mối tương quan rõ rệt giữa những người nghiện điện thoại thông minh với những người cho biết họ ngủ không ngon giấc. Gần 69% số người có thói quen nghiện điện thoại cho biết họ rất khó ngủ, so với 57% những người có sử dụng nhưng không đến mức nghiện điện thoại.
Dù bằng cách nào, thời gian ngủ cũng đã bị gián đoạn, làm giảm chất lượng giấc ngủ. Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018, bạn có thể sẽ ngủ ít hơn so với khi không có điện thoại trong phòng trung bình khoảng 48 phút.
Tóm lại, một chiếc điện thoại di động trên tủ đầu giường không chắc là vũ khí gây chết người với nguy cơ ung thư khá thấp, do điện thoại có bức xạ không xuyên sâu.
Tuy nhiên, ngủ bên cạnh thiết bị di động chắc chắn có thể làm gián đoạn giấc ngủ, điều này có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng và tâm trạng của chúng ta vào ngày hôm sau (và cả sức khỏe tổng thể). Vì vậy, tốt nhất là đặt nó ở một phòng khác khi bạn lên giường.
PN (Nguoiduatin.vn)