Theo Danielle Kelvas, cố vấn y tế của chuyên trang Sleepline (Mỹ), dù khái niệm "ly hôn khi ngủ" thường bị hiểu theo nghĩa tiêu cực nhưng khi thực hiện đúng, nó có những tác động tích cực nhiều người không ngờ đến.
Ly hôn khi ngủ là gì?
Theo Shelby Harris, giám đốc sức khỏe giấc ngủ của tổ chức Sleepopolis, ly hôn khi ngủ là một biện pháp vợ, chồng ngủ riêng tạm thời hoặc vĩnh viễn, do sự khác biệt về cách ngủ, thói quen và sở thích, hoặc chứng ngáy ngủ.
Cần hiểu rõ rằng ngủ riêng không có nghĩa là mối quan hệ của một cặp vợ chồng đang gặp rủi ro. Thay vào đó, đây là cách để cả hai có giấc ngủ ngon và đó là mục đích lành mạnh.
Lợi ích của ly hôn khi ngủ
Lợi ích lớn nhất của việc ngủ riêng là có giấc ngủ chất lượng và cải thiện cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Harris cho biết, giấc ngủ tốt có thể cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, trầm cảm, đau tim, đột quỵ và tăng chất lượng cuộc sống tổng thể. Con người dành khoảng một phần ba cuộc đời để ngủ, do đó, việc ưu tiên cho giấc ngủ chất lượng cao là rất hợp lý.
Nghe có vẻ ngược nhưng ngủ riêng có thể mang các cặp vợ chồng đến gần nhau hơn, vì một giấc ngủ ngon sẽ giúp cải thiện tâm trạng của mỗi người. Ngoài ra, ly hôn khi ngủ có thể ngăn chặn cảm xúc tiêu cực tiềm ẩn, bắt nguồn từ việc ngủ không ngon giấc. Bạn rất dễ cảm thấy cáu kỉnh, bực dọc sau một đêm bị gián đoạn hoặc ngủ ít.
4 thời điểm vợ chồng nên 'ly hôn khi ngủ'
Thứ nhất: Khi cả 2 có lịch sinh hoạt, thời gian ngủ khác nhau
Ví dụ có người thích ngủ sớm, dậy sớm. Có người lại thích thức khuya, ngủ muộn. Có người muốn xem phim, đọc sách, lướt web trước khi ngủ, có người lại cần không gian yên tĩnh tuyệt đối.
Trong tình huống này, ngủ riêng là lựa chọn hoàn hảo để cả 2 đều có thể đáp ứng những nhu cầu của mình và có một giấc ngủ ngon trọn vẹn theo đúng đồng hồ sinh học của cơ thể. Việc bị người bên cạnh 'làm phiền' khiến vợ hoặc chồng không có được giấc ngủ ngon không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới hạnh phúc vợ chồng.
Thứ hai, một trong hai người, hoặc cả 2 thường có giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc
Có thể do bản thân mất ngủ không ngủ được hay do công việc phải thức dậy giữa chừng, đặt báo thức...thì tốt nhất nên ngủ riêng phòng.
Thứ ba, một trong hai người có tật ngáy to, tiểu đêm nhiều
Nếu từng sống cùng một người có tật ngáy to khi ngủ thì bạn sẽ hiểu cảm giác đó là như thế nào. Người bên cạnh không thể ngủ nổi và gây ức chế tâm lý rất nhiều. Lúc này, không chỉ người thức cảm thấy khó chịu mà bản thân người mắc tật ngáy cũng không được thoải mái và thường xuyên phải 'kìm nén' trong giấc ngủ.
Đừng quá cố chấp lúc này, điều cần làm duy nhất là hãy ngủ riêng.
Thứ tư, 2 người có các sở thích khác nhau
Vợ chồng khi ngủ chung ít khi thống nhất được các vấn đề như chăn đệm, ánh sáng, nhiệt độ phòng nên một trong 2 người phải 'nhường nhịn' người kia dẫn tới ức chế tâm lý.
Có người cảm thấy nóng, có người lại thấy lạnh, có người thích bật đèn ngủ, có người lại thích tối hoàn toàn. Cách tốt nhất là cả 2 nên thỏa thuận với nhau và vui vẻ ngủ riêng phòng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý các cặp đôi rằng: Nên chùng nhau bàn bạc và thống nhất khi đưa ra lựa chọn ngủ riêng, đảm bảo cả 2 đều có tâm lý thoải mái và hiểu rằng đây là việc làm cần thiết để giữ sức khỏe cho cả hai.
Hãy khéo léo khi đưa ra lời đề nghị, đừng khiến đối phương cảm thấy khó chịu với những lời lẽ quá thẳng thắn như: Vì anh ngáy quá to, em không thể ngủ nổi hoặc thậm chí có người còn đuổi đối phương ra khỏi phòng ngủ là không nên.
Chú ý: Trong thực tế, không phải đôi vợ chồng nào hoặc bất cứ ai cũng đồng ý với quan niệm này. Nhất là đối với người phương Đông thường quan niệm vợ chồng cần ngủ chung để gắn kết tình cảm. Chính vì vậy, khi muốn 'ly hôn trong giấc ngủ' thì cần có sự khéo léo, chuyển đổi dần dần cho tới khi đối phương cảm nhận được kết quả và hiểu rằng, việc này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới tình cảm mà 2 bên dành cho nhau.
PN (Nguoiduatin.vn)