Theo Zing đưat tin, khoảng 2-3 ngày gần đây, bà N.T.H. (72 tuổi, trú tại Hà Nội) có dấu hiệu ăn uống kém dần do thời tiết nắng nóng. Không chỉ thức ăn, lượng nước được bà nạp vào mỗi ngày cũng thường xuyên ở mức rất thấp. Điều đáng nói hơn là người phụ nữ này có tiền sử đái tháo đường và đang phải điều trị bằng thuốc.
Do thấy tình trạng bà H. mệt mỏi, phải nằm nghỉ nhiều, gia đình đã quyết định cho bệnh nhân nhập viện.
Có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương vào sáng 22/6, PV CAND Online gặp nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức, trong đó có tới một nửa phải thở máy. Bệnh nhân nặng nhập viện muộn phải thở máy là cụ ông N.V.A (75 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa đến viện trong tình trạng hôn mê.
Theo gia đình cho biết, cụ ông có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, sáng 20/6 cụ có triệu chứng yếu tay chân 1 bên, nói khó, cầm nắm đồ vật không chắc... Tuy nhiên do người trong gia đình đều đi làm nên đến chiều bệnh nhân mới được đưa vào viện cấp cứu, khi đó đã quá "giờ vàng" điều trị tai biến. Kết quả chụp XQ cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não. Bệnh nhân ngay lập tức được điều trị hồi sức cấp cứu, hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy.
Cũng nằm cấp cứu hồi sức tại đây, cụ bà N.T.B (72 tuổi) vốn mắc đái tháo đường, mấy ngày nắng nóng thấy mệt mỏi, ăn uống kém dần đi, ít uống nước, gia đình thấy cụ mệt nên để nằm nghỉ. Bệnh nhân lơ mơ, người thân vội đưa đi cấp cứu, đến lúc này bệnh nhân đã trong tình trạng gọi hỏi đáp ứng chậm, tăng áp lực thẩm thấu (thiếu dịch), không đo được huyết áp, đái tháo đường cao vượt ngưỡng và rơi vào hôn mê…
Tại bệnh viện, cụ bà được điều trị hồi sức theo phác đồ, truyền dịch, truyền insulin… Sau 2 ngày điều trị tích cực, các chỉ số của cụ bà gần về bình thường, tỉnh táo hơn.
Trao đổi với Zing sáng 22/6, bác sĩ Trần Đình Thắng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho hay cơ sở này đang điều trị cho 38 bệnh nhân.
“Gần như mọi năm, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, nhất là đầu đợt nắng, số lượng người bệnh phải nhập viện cấp cứu đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, so với thông thường", bác sĩ này thông tin.
Bác sĩ Thắng chia sẻ ở những ngày trước đó, mỗi ngày, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương chỉ phải tiếp nhận trung bình khoảng 10 ca/ngày. Tuy nhiên, cách đây 3 ngày, số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu đã lên tới 30 trường hợp. Trong đó, hơn một nửa trường hợp là ca nặng, cần can thiệp cứu cứu hồi sức.
Chuyên gia thông tin: “Các bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng nặng với những bệnh thường gặp là đột quỵ, viêm phổi, rối loạn điện giải,...”.
Cũng ở tình trạng tương tự, tại Bệnh viện Hữu nghị, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết đơn vị này thông thường tiếp nhận khoảng 20-25 bệnh nhân. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, khi nhiệt độ tăng cao, con số này lên tới 30-35 ca.
“Dù không phải hoàn toàn đến từ nguyên nhân thời tiết, đây cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới việc số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng”, ông nói.
Nguyên nhân khiến nhiều người phải nhập viện ngày nắng nóng?
- Thay đổi môi trường đột ngột từ phòng điều hòa mát lạnh ra trời nắng nóng hoặc ngược lại.
- Trời nắng nóng khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, trong khi cảm nhận khát của người cao tuổi lại giảm đi, dẫn đến tình trạng mất muối và mất nước nhanh gây rối loạn điện giải.
- Người cao tuổi nằm phòng điều hòa quá lạnh và đóng kín cũng là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh gây viêm phổi tấn công…
- Trời nắng nóng khiến người cao tuổi lười ăn dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho bệnh tật phát triển.
Phòng tránh đột quỵ ngày nắng nóng như thế nào?
Chia sẻ với báo chí, BS Đình Thắng cho hay, các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ ở người cao tuổi mà gia đình cần lưu ý phát hiện kịp thời. Cụ thể như: Nói khó, cầm nắm không vững…, ho, sốt, hay tình trạng thay đổi ý thức, huyết áp tăng, buồn nôn chóng mặt, hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng cần đến bệnh viện khám, không tự điều trị tại nhà hoặc tối thiểu cần tham vấn nhân viên y tế trong điều trị.
Thời điểm "vàng" điều trị đột quỵ là càng đến viện sớm càng tốt, từ 4-6h giờ đầu tai biến. Khi xuất hiện các triệu chứng trên gia đình đưa người bệnh đến viện ngay, không sử dụng biện pháp dân gian như xoa bóp, bấm huyệt, chích máu đầu ngón tay.
"Những ngày nắng nóng người cao tuổi cần tránh các hoạt động ngoài trời từ 10 -16h. Sáng hoạt động nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, yoga, đạp xe, không nên hoạt động mạnh. Người già có thói quen tập thể dục buổi chiều, với nhiệt độ nóng như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo không nên tập, bởi buổi chiều tuy nhiệt độ hạ, nhưng nhiệt độ mặt đường bốc lên vẫn rất nóng", BS Huyền cho biết.
Còn với người trẻ, người lao động phải hoạt động ngoài trời, BS Huyền khuyến cáo phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo, đeo kính chống nắng, đeo khẩu trang, uống nhiều nước… để tránh sốc nhiệt. Nếu không có việc thì không nên ra ngoài trời khi nhiệt độ cao, dễ bị mất nước, rối loạn điện giải.
Với người bị tăng huyết áp hạn chế ra ngoài; khi ra ngoài đi xe taxi có điều hòa, mặc quần áo chống nắng, hạn chế ăn đồ chiên rán, không ăn nhiều muối…
"Người trẻ và người già vừa đi nắng về mồ hôi mà tắm luôn khiến cho thân nhiệt thay đổi, mạch máu co lại, dẫn đến tai biến. Đặc biệt không nên tắm đêm, mạch máu co lại, nguy cơ đột quy. Nên tắm vào buổi chiều hoặc chiều tối là tốt nhất", BS Huyền nhấn mạnh.
Trong ngày nắng nóng, việc sử dụng điều hòa làm mát là cần thiết nhưng không quá lạm dụng. Theo đó, nên để nhiệt độ từ 27-29 độ, thêm quạt thông gió. Vào những khoảng thời gian thời tiết dịu mát nên tắt điều hòa, mở cửa để phòng thông thoáng… vì môi trường kín dễ phát triển vi khuẩn gây bệnh.
Người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường, ví như từ phòng điều hòa ra ngoài nắng nóng cần có không gian đệm để tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, để tránh biến chứng nặng, khi có dấu hiệu bất thường phải đến cơ sở y tế ngay, không chần chừ gây hạn chế trong chẩn đoán và điều trị….
PN (Nguoiduatin.vn)