Đôi khi với người lớn, ly hôn giống như 1 sự giải thoát để bắt đầu lại nhưng con trẻ thì chẳng bao giờ có được lựa chọn. Song chính cách hành xử của bố mẹ sẽ tác động rất nhiều tới tính cách, tình cảm của con cái về sau.
Mới đây mạng xã hội cũng chia sẻ câu chuyện của một người đàn ông sau ly hôn với nội dung như sau:
"Tôi kết hôn lần đầu năm 2013. Sau cưới chúng tôi sống chung với bố mẹ, vợ tôi với mẹ không hợp tính nhau nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Mẹ tôi kĩ tính, bà muốn uốn nắn nàng dâu theo kiểu của người xưa, yêu cầu vợ tôi phải nghỉ việc ở nhà lo nội trợ. Kinh tế gia đình tôi có, bố mẹ không cần con dâu đi làm kiếm tiền.
Vợ tôi lại thuộc tuýp phụ nữ hiện đại, cô ấy nhất quyết không từ bỏ sự nghiệp để ở nhà nấu ăn. Vậy là tôi bị kẹt trong cuộc chiến giữa mẹ với vợ".
Không thể xoa dịu được mâu thuẫn ấy, người chồng chuyển sang lảng tránh mặc kệ 2 người phụ nữ tự giải quyết những bất đồng. Không ít lần vợ anh đề nghị chồng lên tiếng, phân xử đúng sai, cô muốn anh 1 lần đứng về phía vợ ủng hộ để cô đi làm, ủng hộ quan điểm của vợ nhưng anh lại không muốn làm mất lòng mẹ mặc dù bản thân anh hiểu vợ mình không sai và mẹ có phần chưa đúng.
"Khi vợ tôi sinh con, mâu thuẫn giữa cô ấy với mẹ càng nhiều hơn. Cuối cùng con được 11 tháng, vợ tôi đề nghị ly hôn. Chưa đầy 1 năm sau, tôi cưới người khác. Với con, hàng tháng tôi đều gửi 3 triệu phụ cấp để vợ nuôi thằng bé. Có điều mải lo cuộc sống mới, tôi không có thời gian tới thăm con mà chỉ chuyển khoản cho vợ cũ.
Hôn nhân lần 2 của tôi cũng thật buồn, vợ mới của tôi sau 1 thời gian sống chung với mẹ chồng lại xảy ra mâu thuẫn. Quan trọng hơn, cưới 4 năm cô ấy không sinh nở được. Trước sức ép của mẹ chồng, cô ấy đã chủ động ly hôn. Sau lần đổ vỡ lần này của con trai, mẹ tôi suy nghĩ lại, bà giục tôi tìm tới vợ cũ xin hàn gắn bởi cô ấy chưa tái hôn, như thế bà sẽ được sống chung với cháu nội.
Một lần nữa tôi lại làm theo ý mẹ. Hôm ấy tôi chủ động tới nhà vợ cũ để thăm con. Tôi mua rất nhiều đồ chơi cho thằng bé nhưng vừa thấy tôi, nó liền tái mặt nép chặt lòng mẹ. Buồn hơn, mặc cho tôi ra sức dỗ dành thì thằng nhỏ vẫn một mực gọi tôi là chú và không cho tôi chạm vào người.
Nghĩ chắc vợ cũ đã dạy con xa lánh bố, tôi quay sang trách cô ấy thiếu trách nhiệm. Rõ ràng hàng tháng tôi đều gửi tiền phụ cấp nuôi thằng bé mà tới giờ con lại không biết tôi là ai. Ngay khi ấy, vợ cũ tôi về phòng lấy cuốn sổ tiết kiệm đặt xuống mặt bàn bảo: 'Tiền hàng tháng anh gửi cho con đó, tôi chưa dùng tới đồng nào mà giữ lại làm 1 khoản tiết kiệm cho con. Có điều anh nên nhớ rằng, tiền quan trọng thật nhưng nó không thể thay thế tình cảm, sự quan tâm mỗi ngày anh dành cho con. Dù tôi có cố gắng kể về anh cho con nghe nhưng chẳng bao giờ anh tới thăm nó thì ông bố tốt mà tôi nói với con cũng chỉ là trong tưởng tượng thôi'.
Những lời vợ nói làm tôi đỏ mặt ngượng bởi tôi hiểu rằng cô ấy không hề nói sai. Bao năm nay, tôi lấy tiền thay thế sự quan tâm của mình dành cho con, trách sao con tôi không biết bố là ai. Không những thế, nghe mẹ vợ cũ kể thì cuối năm cô ấy cũng sẽ tái hôn, vậy là hi vọng cuối cùng của tôi cũng vụt tắt. Vợ cũ đồng ý để tôi thoải mái đưa đón con về nội chăm tuy nhiên, tôi phải cố gắng rất nhiều mới có thể gần gũi và gây dựng tình cảm với con.
Càng nghĩ tôi càng ân hận, giá như trước đây tôi sống bản lĩnh, cư xử đúng mực của một người đàn ông trong gia đình thì giờ này tôi đâu bị rơi vào cảnh này".
Đứng giữa vợ với mẹ, đàn ông luôn phải biết cách cư xử khéo léo, công bằng. Bên cạnh đó, mày râu cũng cần dùng trái tim khoan dung để điều hòa mối quan hệ ấy. Thật tiếc anh chồng trong câu chuyện trên đã không làm được điều ấy nên không giữ được hạnh phúc của mình.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)