Những năm gần đây, Tiktok đã trở thành ứng dụng rất phổ biến với hầu hết mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Với những video ngắn nhưng nội dung thu hút, đa dạng do bất cứ ai cũng có thể thực hiện đã khiến nhiều người không chỉ đam mê xem mà còn thích quay những clip ngắn để đăng tải trên Tiktok.
Không chỉ có người lớn nghiện xem mà ngay cả trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị thu hút. Tuy nhiên, trong khi phần đông người lớn có thể có những nhận thức về việc chọn lọc nội dung để xem thì trẻ trong độ tuổi vị thành niên lại chưa biết chọn lọc nên đã xảy ra những sự việc như trẻ xem phải những thông tin người lớn, độc hại và nguy hiểm hơn là còn cố bắt chước theo những video đó.
Cô bé 9 tuổi trang điểm đậm, giả vờ điệu đà như người lớn
“Tôi đã bị sốc khi thấy con gái nháy mắt với điện thoại và xoay người", cô Huang, sống ở Hán Khẩu, Trung Quốc nhớ lại cảnh tượng cách đây vài ngày mà vẫn cảm thấy hơi khó tin.
Hôm đó, cô Huang tan làm sớm, khi về nhà, cô vô tình phát hiện ra con gái 9 tuổi Xiaoxue với gương mặt trang điểm đậm, đang giả vờ e thẹn và cư xử như một người lớn trước điện thoại di động. Thấy hành vi lạ thường của con gái, cô Huang ân cần hỏi thì biết con gái Xiaoxue đang bắt chước một video trên Douyin (phiên bản Tiktok của Trung Quốc).
Cô Huang cảm thấy lo ngại khi nhìn con gái với đôi môi thoa son đậm, tay tạo vẻ điệu đà, thỉnh thoảng lại giả vờ như đang nâng ly lên uống rồi chào một cách thanh nhã như một phụ nữ trưởng thành theo hướng dẫn của nam thanh niên trong đoạn video trên điện thoại,
Con gái Xiaoxue còn nói rằng đoạn video ngắn này rất phổ biến gần đây và cô bé đã tập luyện chăm chỉ trong suốt buổi chiều. “Những động tác người lớn đó, đối với khuôn mặt non nớt như con bé trông không hề phù hợp", cô Huang chia sẻ với phóng viên tờ Chutian Metropolis Daily.
Sau đó, phóng viên đã vào tài khoản Douyin của Xiaoxue và thấy rằng có hàng chục video cô bé đã tự quay chính mình theo cách diễn như vậy. Ban đầu, Xiaoxue cũng chỉ quay những hành động thể hiện sự đáng yêu như chu môi, với trang phục rất bình thường, có lúc chỉ là bộ đồ mặc nhà. Nhưng các video sau đó cho thấy cô bé ngày càng chú ý đến ngoại hình hơn, ăn mặc đẹp đẽ, chải chuốt và cách cư xử chững chạc như người trưởng thành.
Nhìn những video con gái đăng tải, cô Huang rất bất ngờ, cô cho biết con gái cô tuy cũng rất thích làm điệu nhưng chưa từng thấy khoa trương đến như vậy.
Ngoài việc quay những video cư xử như một quý cô, quý bà, Xiaoxue còn rất chăm chỉ trả lời từng bình luận của người xem. Để khiến video thu hút hơn, cô bé còn nói trong các clip ngắn rằng: "Mọi người chỉ cần ấn theo dõi tôi, tôi sẽ ấn theo dõi lại các bạn. Nếu các bạn ấn thích video của tôi, tôi cũng sẽ làm vậy với các bạn. Đừng quên bình luận dưới video nhé".
Bé gái 10 tuổi tham gia vào 30 nhóm chat lừa đảo trên mạng
Không chỉ có con gái của cô Huang là người đam mê những nội dung trên mạng xã hội kiểu Tiktok, một cô bé 10 tuổi khác cũng có sở thích với những ứng dụng này nhưng theo cách khác.
"Thật không thể tưởng tượng được là con tôi lại trò chuyện với rất nhiều người lạ mỗi ngày ngay trước mặt tôi", cô Liu gọi đến đường dây nóng của Chutian Metropolis Daily để phàn nàn về việc con gái Yueyue, 10 tuổi tham gia vào 30 nhóm chat khác nhau trên các nền tảng mạng xã hội như Douyin, Wechat và cả QQ.
Cô Liu cho biết cô nhận thấy có điều không ổn với con gái từ một món đồ chuyển phát nhanh. Cách đây không lâu, cô đột nhiên nhận được một chuyển phát nhanh, trong đó có một số hộp slime (một loại đồ chơi của trẻ em) nhưng không có dán nhãn người gửi hay người nhận là ai. Sau khi hỏi mới biết, con gái cô đã mua nó từ một người bạn quen trên WeChat (ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc) và dự định bán một vài hộp cho các bạn cùng lớp để kiếm tiền tiêu vặt.
Cô Liu sau đó kiểm tra WeChat của Yueyue và phát hiện ra con gái đã tham gia hơn 30 nhóm chat khác nhau: nhóm phát hồng bao (một dạng lì xì điện tử), nhóm việc làm bán thời gian, nhóm đánh máy, nhóm ca hát và trò chuyện... Mỗi nhóm có khoảng 20-30 người, và nhiều nhất là lên đến gần 100 người. Dựa trên hình ảnh đại diện của các thành viên trong nhóm chat, cô nhận thấy nhiều người trong số đó trạc tuổi con gái cô.
"Yueyue nói rằng con bé đã tự thêm mình vào nhóm chat bằng cách quét mã QR trong các video trên Douyin. Ban đầu con bé làm vậy chỉ để giữ liên lạc với bạn bè trên Douyin để theo dõi và thích các video của nhau. Sau đó, con gái tôi dần bị bạn bè kéo vào một số nhóm chat khác", người mẹ chia sẻ.
Cô Liu đã xem qua lịch sử trò chuyện ở một số nhóm chat của con gái và phát hiện ra rằng nhiều nhóm phải trả phí tham gia từ một đến vài nhân dân tệ. Khi được vào nhóm, mọi người sẽ được nhận hồng bao theo quy định. Trong một số nhóm, các thành viên còn được tham gia các nhiệm vụ và nhận tiền thưởng. Tuy nhiên để được làm nhiệm vụ đó cần đóng trước một khoản tiền cọc khoảng vài chục nhân dân tệ. Sau khi hoàn thành, họ sẽ được nhận lại số tiền cọc và tiền thù lao cho công việc.
Bởi vì Yueyue không có nhiều tiền để tham gia nên cô bé không thể thực hiện được nhưng vẫn không thoát nhóm chat. Cô Yueyue nhận ra đây là một chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội đã được cảnh báo trên tivi nên ngay lập tức xóa tất cả các nhóm và cấm con gái tham gia.
Không ngờ vài ngày sau, cô Liu phát hiện con gái vẫn tiếp tục tham gia các nhóm chat và thậm chí còn lén nhờ một số người kéo mẹ vào các nhóm như vậy.
Những chiêu lừa đảo làm nhiệm vụ trong các nhóm chat mà con gái cô Liu tham gia không chỉ xảy ra ở Trung Quốc, ngay cả ở Việt Nam, tình trạng này cũng đang diễn ra và có không ít người đã trở thành nạn nhân.
Trẻ em nghiện Tiktok có phải xấu?
Thực tế cho thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, có cả Việt Nam, không chỉ người lớn mới tìm kiếm niềm vui trên mạng xã hội, trẻ em cũng âm thầm hoạt động trên các nền tảng này. Chúng không chỉ xem video của người khác mà còn tự mình thực hiện và thậm chí trở thành người nổi tiếng trên Internet.
Phóng viên của tờ Chutian Metropolis Daily cho biết có rất nhiều người dùng Tiktok là học sinh tiểu học, trung học cơ sở và số lượng nữ nhiều hơn đáng kể so với nam. Một số trẻ em đăng video rất thường xuyên, lên đến hàng chục video mỗi ngày.
Nội dung trong các đoạn video ngắn rất đa dạng, có những video chửi bậy, thể hiện sự tự mãn hay có video lại khoe khoang mua hàng xa xỉ từ nước ngoài, cổ vũ tình yêu học trò, có video lại thể hiện sự thích thú khi đối xử tàn ác với động vật. Thậm chí có những video trẻ em đóng vai là chuyên gia làm đẹp dạy mọi người cách trang điểm dù chúng chỉ đang là học sinh tiểu học. Những clip hát hay nhảy của những đứa trẻ cũng được thực hiện trên những bài hát có nội dung người lớn.
Điều đáng nói là không chỉ trẻ em tự mình quay mà chính một số bậc phụ huynh còn rất thích thú trong việc biến con mình thành một "tác phẩm" trên Tiktok như quay cảnh con diễn, nói năng như người lớn, con nhảy nhót ăn mặc như một hot girl, hot boy mạng.
Kết quả của việc này là ảnh hưởng đến tư duy của trẻ và hình thành những giá trị quan méo mó, khiến trẻ mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ vốn có. Ngoài ra, việc trẻ thường xuyên dán mắt xem điện thoại sẽ ảnh hưởng đến thị lực và kết quả học tập của trẻ, khiến trẻ mất đi sự giao tiếp, tiếp xúc với thế giới thực tế bên ngoài.
Nguy hiểm khi trẻ nghiện điện thoại di động
1. Tổn thương hệ thần kinh
Một thử nghiệm của Đại học Clermont-Ferrand, Pháp cho thấy khi trẻ em sử dụng điện thoại di động, não của chúng hấp thụ sóng điện từ điện thoại di động nhiều hơn 60% so với người lớn. Tiến sĩ Gerard Kaidu từ Đại học Warwick, Anh cảnh báo, bức xạ điện thoại di động có thể phá hủy chức năng bình thường của hệ thần kinh của trẻ, gây ra hàng loạt vấn đề như mất trí nhớ, đau đầu, ngủ không ngon giấc.
2. Ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển
Ren Yixun, chuyên gia về trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, hàm lượng nước trong các mô cơ thể của trẻ dồi dào hơn so với người lớn. Cơ quan càng nhiều nước thì vi sóng của điện thoại di động càng gây hại cho nó, có thể thấy điện thoại di động đã gây ra tổn hại như thế nào đối với mô mắt - nơi chứa nhiều nước trong cơ thể.
Ngoài ra, chơi game trong thời gian dài còn có thể gây dị tật cho sự phát triển các ngón tay của trẻ, trẻ cũng phải cúi đầu để dùng điện thoại nên sẽ gây tổn thương lớn cho cột sống cổ của trẻ.
3. Ảnh hưởng đến mối quan hệ với cha mẹ
Những em bé nghiện điện thoại sẽ đào sâu khoảng cách với cha mẹ. Thường xuyên nhắn tin cho bạn cùng lớp và bạn bè, chơi game hoặc xem video ngắn có thể khiến trẻ ít có thời gian giao tiếp với cha mẹ, làm sâu sắc thêm cảm giác mất kiểm soát của cha mẹ và khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Mặc dù việc trẻ em nghiện điện thoại di động không thể tách rời khỏi sự cám dỗ của môi trường bên ngoài, nhưng cha mẹ phải chịu trách nhiệm chính về nguyên nhân gốc rễ.
Theo Hoàng Dương (Phụ nữ & Pháp luật)