Bác sĩ cảnh báo căn bệnh lạ, trẻ em có dấu hiệu tự gây hại cho mình và co giật toàn thân

03/04/2023 14:17:43

Một bác sĩ đã đăng clip cảnh báo về một căn bệnh lạ ở trẻ em. Trẻ mắc bệnh thường có những hành động lạ, thậm chí tự gây hại cho mình.

Mới đây, Bác sĩ Lá Văn Khôi và cũng là một Tiktoker được nhiều người biết đến, đã đăng clip chia sẻ về trường hợp một cháu bé ở Phú Yên mắc căn bệnh rối loạn Tic, thông tin trên Saostar.vn.

Bác sĩ cảnh báo căn bệnh lạ, trẻ em có dấu hiệu tự gây hại cho mình và co giật toàn thân
Bác sĩ Lá Văn Khôi chia sẻ trường hợp trẻ mắc rối loạn Tic nặng. (Ảnh chụp màn hình).

Trong đoạn clip, cháu bé liên tục có các biểu hiện không bình thường, chân tay có những hành động không tự chủ, co giật mạnh toàn thân. Thậm chí tay đập vào người.

Bé trai liên tục khua tay lung tung xung quanh và tỏ ra khó chịu. Theo bác sĩ, bé rất suy kiệt và mệt mỏi.

Theo bác sĩ Khôi, căn bệnh này xuất hiện ngày càng nhiều và đây là một trường hợp rất nặng khi trẻ liên tục có các biểu hiện không tự chủ được hành động.

Ngay sau khi được chia sẻ, nhiều người đã tỏ ra thương cảm cho bé lắng về căn bệnh này.

Hội chứng tic là gì?

Hội chứng tic là một dạng rối loạn vận động hoặc một phát âm không chủ đích xảy ra bất ngờ, nhanh chóng nhưng lặp lại nhiều lần. Tình trạng này thường bắt đầu từ thời thơ ấu (trước 5 tuổi) và phổ biến ở bé trai hơn so với bé gái.

Đa phần hội chứng tic chỉ là tạm thời và có thể tự khỏi, tuy nhiên, cũng có những trường hợp theo trẻ đến tuổi trưởng thành gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng tic ở trẻ

Không có một trường hợp rối loạn tic nào giống nhau hoàn toàn, tùy vào dạng tic hoặc mức độ nặng, nhẹ mà các triệu chứng của trẻ sẽ khác nhau đôi chút.

Rối loạn tic vận động (chiếm khoảng 80%)

- Tic vận động đơn giản: Chủ yếu liên quan đến nhóm cơ mặt và cơ cổ với các biểu hiện nháy mắt, chớp mắt liên tục, nhăn mặt, nhún vai, chun mũi, lắc đầu, giật cơ hàm,…

- Tic vận động phức tạp: Những hành động kéo dài, liên quan đến nhiều nhóm cơ bắp và được thực hiện theo cùng một thứ tự như cắn môi, cắn lưỡi, nhổ tóc, vươn ra chạm vào cái gì đó nhiều lần, đá một chân lên tiên tục, bắt chước hành động của người khác.

Rối loạn tic âm thanh (chiếm khoảng 20%)

- Tic âm thanh đơn giản: Là những tiếng ồn vô nghĩa như tiếng ho hắng giọng, e hèm trong cổ họng, tiếng hét, kêu ré lên, ngáy, lẩm nhẩm trong miệng.

- Tic âm thanh phức tạp: Trẻ lặp đi lặp lại các từ, cụm từ vô nghĩa của chính mình hoặc người khác, thậm chí có những lời nói tục tĩu, không phù hợp ngữ cảnh.

Thực tế, rất nhiều trẻ có sự chuyển hóa giữa tic vận động và tic âm thanh hoặc mắc kèm cả hai dạng, còn gọi là hội chứng Tourette. Tình trạng bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn khi trẻ lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi hoặc hưng phấn quá mức.

Bác sĩ cảnh báo căn bệnh lạ, trẻ em có dấu hiệu tự gây hại cho mình và co giật toàn thân - 1
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng tic ở trẻ nhỏ

Hiện nay, nguyên nhân gây rối loạn tic vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này ở trẻ:

- Đột biến gen, bất thường cấu trúc não bẩm sinh, rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh não bộ, chẳng hạn như dopamine, serotonine hoặc glutamate,…

- Trẻ có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn tic nếu người thân trong gia đình có tiền sử mắc chứng bệnh này, hoặc do mẹ lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích trong thời gian mang thai.

- Một số ít trường hợp phát triển rối loạn tic sau nhiễm trùng liên cầu, chấn thương vùng đầu, ngộ độc, đột quỵ, nhiễm virus não,… Hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống nôn...

Hội chứng tic có nguy hiểm không?

Mặc dù hội chứng tic không nguy hiểm như những căn bệnh khác và có thể tự khỏi với những trường hợp mới xảy ra dưới 1 năm, nhưng nếu để tình trạng kéo dài hoặc không điều trị dứt điểm từ sớm, các biểu hiện tic có thể theo trẻ đến tuổi trưởng thành, gây ảnh hưởng nhiều tới công việc và các mối quan hệ trong tương lai của trẻ.

Không chỉ vậy, trẻ rối loạn tic cũng có nguy cơ cao mắc kèm các chứng bệnh ảnh hưởng tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần như: tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, trầm cảm, tự kỷ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế…

Phương pháp điều trị hội chứng tic

Hiện nay, với những trẻ mắc Tic khi được khuyên từ bỏ chơi game, xem tivi, bệnh sẽ được cải thiện khá tốt.

Bên cạnh đó, trẻ bệnh nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc bổ và liệu pháp tâm lý. Còn với trẻ bị nặng phải dùng thuốc đặc trị nên cha mẹ cần phải kiên trì phối hợp với bác sĩ trong điều trị.

Hội chứng rối loạn tic thường không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến những rào cản tâm lý, gây ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp hàng ngày của con. Vì vậy, ngay khi thấy con có những biểu hiện trên bạn cần sớm đưa con đến bác sĩ thăm khám, để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị thích hợp nhất cho con.

PN (SHTT)

Nổi bật