Với chính sách kiểm duyệt, các nền tảng mạng xã hội đang nỗ lực chặn các từ khóa mang nội dung tiêu cực, nội dung nhạy cảm. Tuy nhiên, một bộ phận người dùng mạng xã hội TikTok đã ‘lách’ kiểm duyệt bằng các từ lóng như ‘sẽ gầy’, ‘hút độc rắn’, ‘dầu gió’... Những từ lóng đọc qua thoạt nhiên không có nội dung nhạy cảm nhưng khi tìm kiếm trên TikTok lại trả về kết quả của nhiều video nói về chủ đề 18+.
Trang Hootsuite đã thống kê rằng, cứ mỗi giây trôi qua thì TikTok lại có thêm khoảng 8 người sử dụng mới. Ở Việt Nam, nền tảng này có khoảng 13 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng. Thống kê cho thấy, độ tuổi trung bình sử dụng nền tảng này từ 12 – 24 tuổi. Và mỗi người sử dụng trung bình lướt “tóp tóp” khoảng 30 phút/ngày.
Theo một nghiên cứu năm 2022 của Qustodio - ứng dụng quản lý dành cho phụ huynh, người dùng dưới 18 tuổi đã dành trung bình 1 giờ 47 phút mỗi ngày để sử dụng TikTok. Đó là một con số cho thấy mức độ tiếp cận nội dung nhạy cảm của người dùng trẻ trên nền tảng thực sự rất lớn.
Trên phần giới thiệu của ứng dụng này cũng có đưa ra các tiêu chuẩn cộng đồng được kiểm duyệt bằng sự kết hợp giữa công nghệ và sự kiểm duyệt của con người trước khi nội dung được báo cáo. Theo đó, TikTok sẽ loại bỏ các nội dung như video, âm thanh, đoạn phát trực tiếp, hình ảnh, bình luận, đường dẫn hoặc ngôn ngữ khác vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Ngoài ra, việc giới hạn đối tượng người dùng trên TikTok cho phép nhà sáng tạo gắn thẻ nội dung của họ nếu nội dung đó có chứa các chủ đề mà họ không muốn đề xuất cho những người dưới 18 tuổi. Nhưng với các từ lóng đang ngày càng ‘update’ thì phần kiểm duyệt này khó mà hạn chế được sự lan truyền những video chứa nội dung nhạy cảm.
Nói về các video xuất hiện dựa trên các từ lóng này, bạn H. M. (trường ĐH Sư phạm TP. HCM) cho biết: “Mình chủ yếu dùng TikTok để học ngoại ngữ nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các đề xuất này. Nếu lỡ tay dừng lại xem vì tò mò thì đề xuất sẽ hiện nhiều hơn. Ngay cả trên mục xu hướng cũng thường có những nội dung này”.
Theo một cách gián tiếp, các video từ lóng này trở thành xu hướng xuất phát từ một bộ phận người dùng nhưng lại lan truyền, dễ dàng chia sẻ cho nhiều đối tượng sử dụng, dù họ không mong muốn xem các video này. L. K. C. (trường ĐH Tôn Đức Thắng) bức xúc: “Dù có giới hạn độ tuổi người dùng nhưng thực tế không khó để ‘lách’ điều này trên TikTok. Bản thân mình cũng khó chịu khi lướt trúng các video có nội dung này. Thậm chí, đó còn là chủ đề bàn tán của hội bạn. Không có chủ ý hiểu nhưng mình lại ‘bị động’ khi buộc phải tiếp nhận các thông tin như thế”.
Theo Thạc sĩ Tâm lý học Đặng Hoàng An, việc tiếp nhận các nội dung nhạy cảm mang yếu tố 18+ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người trẻ ở nhiều góc độ: “Việc tiếp nhận các nội dung nhạy cảm mang yếu tố 18+ dù bằng hình thức nào thì ít nhiều cũng sẽ có sự tác động, ảnh hưởng đến nếp nghĩ, cảm xúc, thái độ và hành vi của người trẻ. Những tiếng lóng nghe qua có thể mang tính nói giảm, nói tránh nhưng đều gợi thanh, gợi hình đến 18+. Những bạn trẻ mới tiếp cận ngôn ngữ lóng về chủ đề 18+ có thể khơi dậy sự tò mò, có thể làm tăng hưng cảm, thích thú. Nếu thường xuyên nói tiếng lóng 18+ không kiểm soát thì có thể hình thành thói quen thiếu tích cực trong giao tiếp ứng xử. Tôi cho rằng việc sử dụng tiếng lóng 18+ là một hành động kém văn hoá, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”.
Theo Văn Sơn - Bình Nguyễn (Tiền Phong)