Đó là trường hợp của Tiểu Đóa năm nay 4 tuổi, rất đáng yêu sống tại Chiết Giang, Trung Quốc. Bởi vì bố mẹ Tiểu Đóa đều không cao (bố cao 1,65m, mẹ cao 1,58m) nên mẹ bé đặc biệt chú ý đến sự sinh trưởng và phát triển của con. Riêng chuyện ăn uống, mẹ bé rất tuân thủ theo khoa học.
Cách đây không lâu, mẹ Tiểu Đóa đang tắm cho bé thì phát hiện ngực của con trở nên to hơn, hơn nữa sờ một cái còn có khối cứng. Mẹ bé đã nhanh chóng đưa con đến khoa Nhi tại bệnh viện Số 1 trực thuộc trường Y khoa Đại học Chiết Giang kiểm tra.
BS trưởng khoa Nhi Vương Xuân Lâm đã cẩn thận thăm khám cho Tiểu Đóa. Sau một loạt các kiểm tra, BS phát hiện Tiểu Đóa dậy thì sớm. Tuy nhiên, BS cũng nhận thấy Tiểu Đóa có chế độ ăn uống hợp lý, hơn nữa chiều cao, cân nặng ở mức bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Trong tình huống này, xuất hiện dậy thì sớm là một sự bất thường.
Ngay sau đó, gia đình bé được yêu cầu làm xét nghiệm di truyền. Các kết quả xét nghiệm cho thấy triệu chứng dậy thì sớm của Tiểu Đóa có thể đến từ đột biến gen MKRN3, được di truyền từ người bố. Vì người bố đã trưởng thành nên khi còn nhỏ có dậy thì sớm hay không cũng không thể biết.
Bởi vì Tiểu Đóa dậy thì sớm do di truyền gen đột biến nên trước mắt vẫn là phát hiện tương đối sớm, chỉ cần quan sát, theo dõi là được. Tuy nhiên, khả năng tiếp theo phải tiêm ức chế phát triển là rất lớn. "Phiền toái hơn chính là, gien đột biến này của bố Tiểu Đóa rất có khả năng sẽ tiếp tục di truyền cho đời sau, đứa con thứ hai bất kể là con trai hay con gái một khi di truyền gen này cũng sẽ xuất hiện triệu chứng dậy thì sớm", BS Lâm cho biết.
Dậy thì sớm là gì?
Nhiều phụ huynh quan tâm thế nào là dậy thì sớm. Dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường (ở bé gái là trước 8 tuổi, có kinh trước 9 tuổi; ở bé trai là trước 9 tuổi).
Đặc biệt, cha mẹ cần phân biệt rõ tình trạng dậy thì thực thụ với chứng vú phát triển sớm – một rối loạn lành tính trong đó ngực phát triển đơn thuần, không đi kèm với các dấu hiệu dậy thì khác.
Nguyên nhân dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ
Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ hiện nay không có nguyên nhân cụ thể mà chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây ra biến đổi này, đó là:
Trẻ mắc bệnh u não, u nang buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh tuyến giáp.
Dậy thì sớm phổ biến ở bé gái hơn bé trai.
Nguyên nhân huyết thống.
Do thuốc.
Lượng estrogen đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều qua thực phẩm, đồ nhựa,... Tiêu thụ quá nhiều thức ăn, nhất là thịt gia cầm, thực phẩm chiên, thực phẩm bổ sung, trái cây và rau quả trái mùa, có thể gây ra sự bất thường nội tiết tố trong cơ thể trẻ em, dẫn đến dậy thì sớm.
Dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ
4 dấu hiệu ở bé gái
- Ngực phát triển
- Mọc lông mu hoặc lông nách
- Thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài
- Bắt đầu có kinh nguyệt
Dấu hiệu ở bé trai
- Dương vật và tinh hoàn của trẻ phát triển
- Tóc, lông nách và lông ở vùng kín bắt đầu xuất hiện.
- Tăng trưởng chiều cao khá nhanh ở bé trai, có thể nhận thấy rõ.
- Thay đổi giọng nói và khuôn mặt, rõ nhất là giọng nói càng ngày trở nên ồm và vang hay còn gọi là vỡ giọng.
- Mụn trứng cá xuất hiện nhiều trên khuôn mặt, chủ yếu là hai má và trán
- Cơ thể trẻ bắt đầu có mùi.
Nên làm gì khi nghi ngờ bé bị dậy thì sớm
Nếu bạn nghĩ rằng trẻ đang có dấu hiệu bệnh dậy thì sớm, bạn cần đưa trẻ đến bác sỹ NỘI TIẾT NHI.
Trẻ dậy thì trước 8 tuổi cần được đánh giá cẩn thận:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện hàm lượng hormone bất thường.
- Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm.
- Chụp X-quang cổ tay giúp xác định tốc độ trưởng thành của xương. Nếu xương già nhanh quá so với tuổi thực, ví dụ đứa trẻ lên 7 mà tuổi xương lại tương đương với trẻ 12 tuổi thì nhiều nguy cơ trẻ không đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.
Tại sao phải điều trị dậy thì sớm
– Các trẻ dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau. Điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu bé được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.
– Trẻ gái có bệnh dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
PN (Nguoiduatin.vn)