Mới đây, trang Public Health Malaysia đã đăng tải câu chuyện về việc một đứa trẻ 5 tuổi được đưa đến bệnh viện sau khi bị sặc một quả nho, với lời nhắc nhở dành cho các bậc phụ huynh rằng, tai nạn trẻ hóc nghẹn vẫn có thể xảy ra với các bé ở độ tuổi mẫu giáo, đừng bao giờ chủ quan.
“Đừng để bị lừa bởi vẻ ngoài mềm mại và nhỏ bé của nó, ngay cả một quả nho nhỏ như vậy cũng có thể cản trở đường hô hấp của trẻ”, Public Health Malaysia cho biết trong bài đăng.
Bài viết cho biết đứa trẻ đã ăn xong món chính và ăn món tráng miệng là những quả nho nguyên quả được người nhà đặt trong chén. Tuy nhiên, quả nho quá trơn trượt nên trong một phút người nhà không quan sát, nó đã chui tọt xuống cổ họng và chặn đường thở của trẻ, khiến đứa trẻ bất tỉnh.
May mắn thay, người nhà đã lập tức đưa em bé vào bệnh viện ngay kế bên nhà. May mắn hơn nữa là mặc dù bị quả nho chèn đường hô hấp nhưng vẫn còn ít chỗ trống để đặt ống thở. Trong trường hợp này, do người nhà không biết cách sơ cứu ban đầu nên phải phẫu thuật để lấy quả nho ra. Em bé đã an toàn và hiện vẫn đang được theo dõi.
“Thay vì không ăn nho hoặc các loại trái cây khác, hãy đảm bảo rằng chúng được cắt theo chiều dọc và kích thước nhỏ”. Public Health Malaysia luận bài đăng của họ bằng cách nhắc nhở mọi người rằng chắc chắn trẻ em ăn trái cây là được nhưng chỉ cần nhớ cắt chúng thành kích thước phù hợp, đặc biệt là khi cho trẻ em.
Bài đăng nhận được 16 nghìn lượt bình luận và 3,8 nghìn lượt chia sẻ , người dùng đã chia sẻ việc con họ bị nghẹn vì nhiều loại thực phẩm khác nhau như kẹo, nho khô và thậm chí cả xúc xích. Một cư dân mạng thậm chí còn kể lại trải nghiệm kinh hoàng khi con họ mặt chuyển sang màu xanh do thiếu oxy. Tuy nhiên, một người khác đã chia sẻ một trải nghiệm vô cùng đáng tiếc và tàn khốc, khi đứa con 2 tuổi của anh họ bị nghẹn và không qua khỏi vì một quả nho .
Tất cả đều cho rằng các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ nên nâng cao nhận thức bởi vì khi tai nạn xảy ra, chỉ có 4 phút vàng để cứu trẻ. Nếu để muộn hơn thì oxy không thể lên não và trẻ sẽ gặp nguy hiểm.
Liên quan tới sự việc trên, theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), việc sơ cứu trẻ hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nếu không kịp thời, chỉ sau 5-6 phút, dị vật chèn đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Vì vậy các bậc cha mẹ cần lưu ý những nguyên tắc vàng sau đây:
+ Trong khoảng 4 phút đầu sau khi tai nạn xảy ra là thời gian vàng để cứu sống nạn nhân, còn sau đó, bệnh nhi sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, tử vong hay đối mặt với di chứng não.
+ Mỗi phụ huynh cần chủ động tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến sơ cấp cứu tại chỗ nói chung và sơ cứu dị vật đường thở nói riêng để kịp thời xử lý trong trường hợp chẳng may bé gặp tai nạn.
+ Nếu trẻ hóc dị vật, người lớn tuyệt đối không đưa tay móc miệng trẻ để lấy ra. Việc làm này chẳng những không lấy được dị vật mà còn đẩy nó vào sâu hơn.
+ Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác sau: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi làm xong, nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.
+ Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị-vùng trên rốn và dưới xương ức. Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Đồng thời gọi xe cấp cứu khẩn cấp.
+ Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng. Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
+ Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.
PN (Nguoiduatin.vn)