Đó là trường hợp của một bé gái sinh ra khi 35.5 tuần tuổi, con của sản phụ mới 17 tuổi, ngụ TP.HCM.
Không xét nghiệm máu trong thai kỳ, lây bệnh "hiểm" cho con
Trước đó trong thai kỳ, thai phụ 17 tuổi chỉ làm siêu âm mà không xét nghiệm máu theo chỉ định của BS. Mãi đến khi vỡ ối sớm và nhập viện tại Bệnh viện (BV) Hùng Vương, các BS phát hiện thai phụ bị giang mai thai kỳ. Bệnh nhân sinh non một bé gái khi mới 35.5 tuần tuổi. Vừa sinh, bé đã có nhiều bóng nước to bị vỡ, bong tróc da rải rác toàn thân.
Tại BV Nhi đồng 1, các xét nghiệm cho thấy em bé bị giang mai bẩm sinh lây truyền từ mẹ. Nhờ được điều trị tích cực, dùng kháng sinh, tình trạng sang thương da của bé giảm dần và dứt hẳn.
BS Huỳnh Thị Thanh Thùy, BV Da liễu TP.HCM cho biết, giang mai là một bệnh nhiễm trùng mạn tính ở đa cơ quan do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Các đường lây truyền bệnh là đường tình dục, truyền máu và từ mẹ sang con.
Từ đầu năm đến nay, BV Da liễu ghi nhận 5 ca giang mai bẩm sinh. Đây cũng là 5 ca đầu tiên trong 2 năm trở lại đây.
Căn bệnh gây biến dạng xương, tử vong sơ sinh
Chuyên gia cảnh báo, nhiễm trùng thai nhi từ người mẹ bị nhiễm bệnh dẫn đến giang mai bẩm sinh. WHO ước tính có tới 1,5 triệu ca giang mai trong thai kỳ xảy ra mỗi năm.
"Bệnh có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và tử vong sơ sinh. Ngay cả trẻ sơ sinh còn sống có thể phát triển các biểu hiện của giang mai bẩm sinh, gây biến dạng răng và xương, thậm chí mù loà và điếc" - BS phân tích.
Trong 4 năm đầu tiên mắc giang mai, phụ nữ không được điều trị có 70% nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi. Tất cả trẻ có giang mai bẩm sinh hay sinh ra từ mẹ có phản ứng huyết thanh dương tính phải theo dõi lâm sàng và kiểm tra mỗi 2-3 tháng.
Bệnh giang mai bẩm sinh có thể ngăn ngừa được bằng penicillin. Dù vậy nếu bệnh nhân bị dị ứng thuốc này, trước tiên phải tiến hành gây tê. Thời gian bắt đầu điều trị là hết sức quan trọng, tốt nhất là dùng penicillin trước tuần thứ 28 thai kỳ.
Ở một số phụ nữ mang thai, điều trị giang mai có thể gây ra một số phản ứng như sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ và khớp. Tuy vậy đây là những triệu chứng tạm thời, sẽ tự biến mất trong vòng 36 giờ.
Việc điều trị cũng có thể gây ra một số thay đổi về nhịp tim của thai nhi. Nếu thai phụ đang ở nửa sau của thai kỳ, thai có thể bị co thắt. Điều cần nhất là phải theo dõi chặt chẽ và đến BV ngay khi thấy những bất thường.
Thai phụ cũng cần tránh quan hệ tình dục với chồng trước khi kết thúc điều trị. Để phòng bệnh, thai phụ cần đi khám thai định kì và làm các xét nghiệm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các triệu chứng của bệnh giang mai
Triệu chứng đầu tiên của bệnh là một nốt loét gọi là "săng" giang mai, xuất hiện sau khi quan hệ tình dục với một người mắc bệnh giang mai (trong khoảng 10-90 ngày). "Săng" giống như một cái mụn hoặc một vết loét mờ, bờ của nốt loét nhẵn nhụi và có cảm giác chắc như sụn, xuất hiện ở vùng sinh dục, đôi khi ở miệng, môi, ở ngón tay hoặc ở hậu môn.
Vết loét thường không đau, chỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần sau đó tự mất đi nhưng vẫn tiếp tục lan ra toàn thân. Sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng có thể xuất hiện triệu chứng toàn thân như đau bụng, sốt nhẹ hoặc loét ở miệng, sưng khớp hoặc có các triệu chứng ở da và các dấu hiệu sau:
- Rát hoặc mụn khắp cơ thể.
- Vết ban nổi hình tròn hoặc bầu dục.
- Rát ở gan bàn tay hoặc gan bàn chân.
Giang mai là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên và có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe người bệnh. Ngoài lây truyền qua quan hệ tình dục trực tiếp, bệnh cũng có thể lây lan qua những con đường khác như hôn, vuốt ve, tiếp xúc da với da hoặc tiếp xúc với dịch tiết sinh dục của người bị bệnh...
Thậm chí, nếu dùng chung đồ dùng như quần áo, chăn gối, đồ dùng cá nhân... mà có dính dịch tiết, máu mủ củai người bị bệnh giang mai cũng có thể dẫn đến lây bệnh. Bệnh cũng lây qua việc tiêm chích, truyền máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai. Xoắn khuẩn giang mai có thể gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể, từ da, niêm mạc, mắt đến các nội tạng như gan, tim mạch, thần kinh...
Bệnh giang mai có thể có thời gian ủ bệnh lên tới 3-4 tháng, nếu phát hiện được bệnh ở giai đoạn này bác sĩ có thể điều trị được. Nếu người mẹ không may bị bệnh này trong thời gian mang thai mà không điều trị thì nguy cơ truyền lây nhiễm cho đứa trẻ trong bụng là khó tránh khỏi.
Một số nguy hiểm có thể gặp bao gồm: Gây sẩy thai, thai chết lưu... Thai nhi có thể chịu ảnh hưởng đến thần kinh, sưng hạch, nách, sưng gan, thiếu máu... Một số trường hợp trẻ sơ sinh không có dấu hiệu bệnh nhưng mầm mống bệnh vẫn ẩn giấu trong cơ thể cho đến khi lớn hơn mới phát triển. Các triệu trứng bệnh lúc này có thể sẽ ảnh hưởng đến xương khớp, răng lợi, mắt, tai, não bộ...
Theo Hoàng Lê (Thời Đại)