Từ vụ mẹ mất con do ăn hoa quả trong tủ lạnh, cẩn thận loại vi khuẩn 'không sợ lạnh'

17/08/2018 15:49:54

Một thai phụ ở Ôn Châu, Trung Quốc sau khi ăn đồ lấy ra trong tủ lạnh lại không rửa sạch, khiến thai nhi bị chết lưu, bác sĩ cảnh báo mọi người nên chú ý các vi khuẩn gây bệnh có trong tủ lạnh.

Thai phụ 20 tuổi ăn hoa quả trong tủ lạnh, khiến thai nhi chết lưu

Theo tin tức tờ Qianjiang Evening News, một bà mẹ trẻ 20 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc tên Hiểu Mẫn, đã bị mất con khi chưa kịp chào đời do đã từng ăn hoa quả lấy ra ở trong tủ lạnh và chưa được rửa sạch, dẫn đến nhiễm vi khuẩn Listeria Monocytogenes. 

Biểu hiện ban đầu của cô chỉ là cơn sốt, kèm theo đau đầu, không có biểu hiện khó chịu nào khác, nhưng tình trạng này kéo dài vài ngày. Sau khi đi khám mới biết thai nhi chết lưu.

Từ vụ mẹ mất con do ăn hoa quả trong tủ lạnh, cẩn thận loại vi khuẩn 'không sợ lạnh'
Sau khi kiểm tra bác sĩ phát hiện con của Hiểu Mẫn đã chết lưu

Vi khuẩn Listeria Monocytogenes là gì?

Vi khuẩn Listeria monocytogenes là một trong 4 tác nhân gây bệnh do thực phẩm, được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, những vi khuẩn này được tìm thấy thường xuyên nhất là ở thịt nấu chưa chín, trong các sản phẩm từ sữa, hoa quả… nó phát triển tốt ở nhiệt độ từ 4°C-10°C. Nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.

Từ vụ mẹ mất con do ăn hoa quả trong tủ lạnh, cẩn thận loại vi khuẩn 'không sợ lạnh' - 1
Nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes rất nguy hiểm

Nhiệt độ của tủ lạnh thường là 2°C - 8°C, ở nhiệt độ này, hầu hết vi khuẩn khó phát triển tích cực, nhưng vi khuẩn Listeria monocytogenes "không sợ lạnh", có thể phát triển mạnh trong tủ lạnh. Hầu hết những người bị nhiễm Listeria monocytogenes có thể tìm thấy loại vi khuẩn này ở thức ăn đặt trong tủ lạnh.

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn Listeria?

Với những người khoẻ mạnh, khi ăn phải thức ăn bị nhiễm Listeria monocytogenes, vi khuẩn không gây nên bất kỳ triệu chứng nào. Một số người có thể xuất hiện triệu chứng giống cảm cúm với các  biểu hiện như sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau dạ dày, nếu như tiêu thụ thức ăn bị nhiễm một số lượng lớn vi khuẩn.

Vi khuẩn có thể vào máu gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào hệ thần kinh, sẽ gây nên tình trạng viêm não màng não, với các biểu hiện: đau đầu, cứng cổ, động kinh, mất thăng bằng và cảm thấy bối rối hoặc mất phương hướng có thể xảy ra.

Từ vụ mẹ mất con do ăn hoa quả trong tủ lạnh, cẩn thận loại vi khuẩn 'không sợ lạnh' - 2
Phụ nữ có thai khi nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes rất dễ bị sẩy thai, thai chết lưu

Trong trường hợp người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bị ung thư, người bị tiểu đường, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh gan, cấy ghép nội tạng và những người bị suy giảm miễn dịch, hậu quả của nhiễm Listeria monocytogenes có thể rất nghiêm trọng. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, vi khuẩn Listeria monocytogenes có thể qua nhau thai gây sảy thai, thai nhi chết lưu, gây sinh non, hoặc thai nhi chết ngay sau khi sinh.

Tỷ lệ mắc bệnh Listeria monocytogenes được chẩn đoán trong phòng thí nghiệm là 0,29 trường hợp/100.000 người, tỷ lệ mắc của phụ nữ mang thai là 3,0 trường hợp/100.000 người, và tỷ lệ tử vong là khoảng 16%.

Từ vụ mẹ mất con do ăn hoa quả trong tủ lạnh, cẩn thận loại vi khuẩn 'không sợ lạnh' - 3
Một số thực phẩm phụ nữ có thai cần tránh

Phụ nữ mang thai và bệnh nhân có chức năng miễn dịch giảm nên tránh các loại thực phẩm bao gồm: Sữa tươi, phô mai mềm, xúc xích, thịt nguội, hải sản xông khói, rau quả tươi, tôm, cua, bắp cải trộn… 

Ngoài ra, những người khỏe mạnh cũng nên chú ý đến những vấn đề sau

1. Tránh ăn sữa và pho mát không tiệt trùng và các loại thực phẩm được làm từ chúng;

2. Rửa kỹ trái cây và rau củ trước khi ăn;

3. Đặt ngăn mát dưới 4,4 độ C và ngăn tủ đông dưới -18 độ C;

4. Hãy chắc chắn thịt và hải sản phải được nấu chín;

5. Rửa tay, dao và thớt sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống.

Cần lưu ý khi dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh

Từ vụ mẹ mất con do ăn hoa quả trong tủ lạnh, cẩn thận loại vi khuẩn 'không sợ lạnh' - 4
Các loại thực phẩm để trong tủ lạnh cần có hộp riêng, và có khoảng trống giữ các loại thực phẩm

- Phải có những khoảng trống giữa các hộp thực phẩm để đảm báo không khí lưu thông;

- Thực phẩm nấu chín và thực phẩm sống phải để vào từng hộp riêng, tránh nhiễm khuẩn chéo;

- Thường xuyên lau chùi và khử trùng tủ lạnh;

- Các thực phẩm lưu trữ trong tủ lạnh cần được làm nóng trước khi ăn;

- Thời gian lưu trữ thực phẩm sống đông lạnh không nên vượt quá một tuần để tránh hiện tượng thực phẩm bị biến chất, nhiễm khuẩn gây ngộ độc.

Một số thực phẩm không thích hợp để trong tủ lạnh

Từ vụ mẹ mất con do ăn hoa quả trong tủ lạnh, cẩn thận loại vi khuẩn 'không sợ lạnh' - 5
Sữa bột là một trong những sản phẩm được khuyến cáo không nên để tủ lạnh.

Xoài, chuối: nhiệt độ quá thấp có thể khiến chúng "đông lạnh";

Khoai môn, bánh mì: Đặt nó trong tủ lạnh sẽ tăng tốc độ sấy khô và cứng của nó, dinh dưỡng và hương vị sẽ không được tốt như nhiệt độ bình thường;

Trà, sữa bột: Những loại thực phẩm này có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng, để trong tủ lạnh dễ hấp thu mùi, độ ẩm và khiến thực phẩm bị mốc và hư hỏng.

Thuốc: Thuốc để lẫn với các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh dễ bị ẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Tốt nhất là nên bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo Hà Vũ (Khampha.vn)