"Tết năm nay bố mẹ đừng mua đào quất nữa nhé, lúc nào về vợ chồng con sẽ mua biếu bố mẹ với ông bà ngoại thằng cu mỗi nhà 1 cây thật đẹp... Ông bà ngoại thằng cu cũng như bố mẹ vậy, bọn con biếu bố mẹ cái gì thì cũng biếu ông bà bên kia cái ấy... Ôi, mẹ đừng nói thế...", chồng Ngọc đang nói chuyện điện thoại với mẹ chồng. Mặc dù chỉ là đoạn hội thoại không hoàn chỉnh, nhưng Ngọc thừa biết bên kia mẹ chồng đang nói gì.
Lại là vấn đề muôn thuở "nội phải hơn ngoại" chứ chẳng có gì khác! Bởi bà đã lặp đi lặp lại điều này không ít lần rồi. Năm ngoái, khi bọn cô mang quà Tết về biếu ông bà, bà đã hỏi ngay chồng cô biếu bố mẹ vợ cái gì. Sau khi nghe được câu trả lời "quà giống nhau", bà sầm mặt tỏ rõ vẻ không vui.
Và cả năm vừa rồi, hễ gọi điện lên bà lại bóng gió nhắc nhở vợ chồng cô chuyện đó. Cũng may, chồng cô là người biết nghĩ. Nếu mua cho ông bà nội cái tivi thì sẽ đổi cho ông bà ngoại cái tủ lạnh, tùy theo nhu cầu của mỗi bên. Tết đến, quà cáp cho đôi bên cũng phải ngang nhau. Vợ chồng cô tự lập trên thành phố, không sống cùng bên nào nên Ngọc cho rằng, công bằng như vậy là hợp lí. Nếu bọn cô ở cùng bố mẹ chồng thì lại là chuyện khác. Hơn nữa, Ngọc cũng làm ra tiền, tiền trong nhà là công sức của cả 2 người, lẽ nào lại chỉ dành để báo hiếu bố mẹ chồng, còn bố mẹ cô bị bỏ qua một bên?
Ngọc mặc dù không vui với tư tưởng của mẹ chồng, nhưng chỉ đành nhẫn nhịn. Phần nữa là bà thường nói với chồng cô, trước mặt cô bà chỉ bóng gió ám chỉ, cô cứ cười cho qua là được. Và vợ chồng cô luôn kiên quyết giữ vững lập trường "nội ngoại như nhau".
Nhưng Tết năm nay có vẻ mẹ chồng cô cương quyết hơn, sau khi nói chuyện với chồng cô liền gọi trực tiếp cho cả Ngọc mắng cô xơi xơi: "Cô đừng có xúi bậy chồng cô, cái gì mà nội ngoại như nhau! Nội bao giờ cũng phải hơn ngoại, cô hiểu chưa? Cô là đi làm dâu, con trai tôi lấy cô về nhà này, cô đã thành người nhà này, nên có gì đều phải vun vén về đây. Nhà ngoại chỉ thoang thoảng thôi!".
Hẳn mẹ chồng Ngọc đang giận lắm, bởi nói con trai không được, nên mới phang vào mặt con dâu mớ lời lẽ kiểu này. Một khi bà đã nói rõ ràng, cô cũng nên thẳng thắn bày tỏ quan điểm cho bà hiểu, đồng thời chỉ rõ tình hình thực tế để bà nhìn lại mới được!
"Mẹ ơi, mẹ lúc nào cũng nói nội hơn ngoại, vậy sao chúng con có việc gì thì đều gọi bên ngoại vậy ạ?", Ngọc nhẹ nhàng hỏi lại mẹ chồng, rồi dừng lại để bà nhớ lại một vài chuyện cũ. Vợ chồng Ngọc vừa mua một mảnh đất, dự định khi nào dành dụm có thêm tiền sẽ cất nhà lấy chỗ an cư. Và tiền còn thiếu để mua đất là ông bà ngoại cho vay. Bố mẹ chồng Ngọc một câu "không có" là xong.
Đầu năm nay Ngọc sinh con, mẹ chồng viện cớ ốm không lên với cháu được ngày nào, hoàn toàn là mẹ đẻ Ngọc trông con chăm cháu mấy tháng ròng để chồng Ngọc yên tâm làm việc, khỏi phân tâm lo lắng cho vợ. Chưa nói, dăm bữa nửa tháng mẹ đẻ cô lại gửi quà quê lên cho con cháu, có gì ngon bà cũng dành cho vợ chồng cô một phần. Còn bố mẹ chồng tuyệt nhiên không. Lúc nói ra những lời trách móc, dạy bảo cô, bà không chút ngượng miệng? Con cháu thì bà chả được câu hỏi han, yêu thương không thấy chỉ thấy đòi quyền lợi!
Dĩ nhiên, Ngọc chả đòi hỏi gì ở bố mẹ chồng, ông bà là người sinh ra và nuôi nấng chồng cô khôn lớn, bọn cô tất nhiên sẽ phụng dưỡng ông bà chu đáo. Nhưng cô cũng đâu phải từ trên trời rơi xuống, bố mẹ cô vất vả sinh ra và nuôi lớn cô đâu kém gì bố mẹ chồng nuôi chồng cô.
"Con lấy nhà con, con gọi mẹ là mẹ. Nhưng bà ngoại mới là người đẻ ra con. Đối với con, nội ngoại như nhau, đó là điều sẽ không bao giờ thay đổi mẹ ạ", Ngọc nhấn mạnh từng chữ. Cô nói xong, đầu dây bên kia mẹ chồng hồi lâu chả thấy đáp lời. Sau đó Ngọc nghe tiếng "tút tút" - mẹ chồng đã đột ngột ngắt máy. Ngọc thở dài, biết bà sẽ giận nhưng chẳng thể làm khác, bởi cô không thể y lời bà. Còn phương án trước mặt nghe lời mẹ chồng, sau lưng lén lút biếu bố mẹ đẻ mình thêm thì Ngọc không muốn làm. Bố mẹ nuôi cô công lao trời bể, chả lẽ đến báo hiếu cũng phải giấu diếm nữa ư?
Theo Giang Phạm (Helino)