Cuộc sống của vợ chồng Hương đảo lộn từ khi có mẹ chồng và em gái của chồng lên đây ở. Ban đầu, chỉ có em gái lên Hà Nội ăn học. Hương và chồng đã phải nhận nuôi em ăn ở miễn phí. Nhưng một thời gian sau, mẹ chồng Hương cũng khăn gói lên đây ở, với lý do coi cháu và chăm con gái.
Kể thu nhập của vợ chồng Hương cao thì không sao, đằng này cả 2 người mới được gần 20 triệu. Trong đó đã phải thuê nhà hết 5 triệu, chi phí ăn uống - sinh hoạt hàng tháng cũng ngót nghét 5 triệu, số còn lại lo tiền học và bỉm sữa cho con. Thành ra cuộc sống của 2 vợ chồng cũng chẳng dư giả là mấy!
Cuối tháng trước, phải đóng tiền học cho con nên Hương bí tiền. Cô mới thủ thỉ với chồng: "Mai anh bắn thêm cho em 2 triệu nhé. Tận mùng 5 em mới có lương mà tiền ăn hết rồi". Ai ngờ những câu nói đó lại bị mẹ chồng nghe thấy.
Bà phi vào phòng, sồn sồn mắng con dâu: "Chị ăn tiêu như phá mả vậy? Chưa hết tháng đã hết tiền. Mà bảo ăn cao lương mỹ vị thì tốn chứ ăn rau, ăn thịt bình thường thì tốn cái gì? Chi tiêu như thế thì tiền núi cũng hết.
Thế này đi, từ tháng sau đưa tiền lương của vợ chồng anh chị đây tôi giữ. Tôi mà quản chi tiêu, kiểu gì mỗi tháng cũng để ra được 2-3 triệu. Không những thế cả nhà còn được ăn uống đầy đủ ngon lành. Chứ chị tiêu pha thế này, sạt nghiệp mất thôi. Phải thương chồng mình đi làm vất vả mới kiếm được tiền chứ?".
Đây không phải lần đầu mẹ chồng mắng Hương chi tiêu hoang phí. Từ ngày bà lên đây, lúc nào cũng dòm ngó xem con dâu tiêu tiền thế nào. Đã không ít lần bà phàn nàn, thậm chí còn gọi thẳng về cho bố mẹ đẻ của Hương trách họ ngày xưa chiều con quá, giờ đi làm vợ nhà người ta vẫn giữ thói "tiểu thư" cũ. Hương nghe thấy mà lộn ruột, nhưng vì chồng ngăn cản nên cô không cãi trả.
Nhưng hôm nay Hương chẳng nhịn nhục nữa. Cô mỉm cười nói luôn với mẹ chồng: "Vâng. Thế từ tháng sau tiền lương của 2 vợ chồng con sẽ đưa cho mẹ giữ ạ. Tổng cộng là 14 triệu. Lương con đi làm là 7 triệu. Mỗi tháng anh Lộc đưa con 7 triệu, còn lại để chi tiêu cá nhân. Trừ tiền nhà 5 triệu, tiền học của cháu 4 triệu thì còn lại là tiền ăn, tiền sinh hoạt và bỉm sữa cho bé Bi ạ".
Thế là từ hôm đó, mẹ chồng Hương giữ tiền chi tiêu của cả nhà. Hương lại càng nhàn hạ, mỗi chiều tan tầm, chẳng phải mải mốt đi chợ, mà chỉ việc về thẳng nhà, có món gì nấu món đó.
Gần 1 tháng sau, thực tại cũng chẳng khác gì lúc Hương giữ tiền là mấy. Những bữa thịt cá bắt đầu ít dần, thay vào đó là rau, trứng và đậu. Một hôm đi làm về, Hương thấy em chồng làu bàu với mẹ: "Sao mẹ bảo mẹ quản tiền thì sẽ dư giả với được ăn ngon. Thế mà con chỉ thấy ăn rau, với đậu thế này. Con ngán tận cổ rồi mẹ ạ". Mẹ chồng quay ra mắng nó: "Không ăn được cũng phải lặng ngắt. Tao còn phải lấy cả tiền riêng ra bù vào rồi đây này. Không ngờ tiền ăn uống mà tốn thế. Đến chóng cả mặt". Em chồng Hương bĩu môi: "Tưởng mẹ thế nào chứ...".
Tối hôm trước hết bỉm của con, Hương ung dung sang phòng mẹ chồng xin tiền. Cô thấy bà đang cầm trên tay 600.000 đồng, cẩn thận đếm từng ngày còn lại cho đến ngày mùng 5 (ngày Hương lĩnh lương). Cô thấy vừa thương vừa buồn cười mẹ chồng, nhưng mà kệ, phải cho bà 1 bài học. Hương vào phòng nói mẹ đưa cho 400 đi mua bỉm cho cháu mà mặt mẹ chồng "ngắn tũn".
Sáng sớm hôm nay, Hương sang đưa cho mẹ tiền lương của 2 vợ chồng thì bà nhất quyết không giữ nữa, ái ngại nói với cô: "Thôi, giờ mẹ hiểu con chi tiêu thế nào rồi. Từ nay mẹ không trách con chi tiêu hoang phí nữa. Trước mẹ mắng con cũng là lo cho cuộc sống của 2 vợ chồng mày mà thôi. Thứ 4 này mẹ cũng về quê, nhà cửa bỏ bê lâu cũng không được. Mẹ sốt ruột lắm".
Hương biết thừa bà đang xấu hổ về câu tuyên bố cách đây hơn 1 tháng. Nhưng cô không làm khó dễ mẹ chồng nữa. Bởi bà cũng đang ân hận rồi.
Theo Hướng Dương HT (Nhịp Sống Việt)