Vấn đề mẹ chồng - nàng dâu đã quá xưa cũ trong mỗi gia đình. Thế nhưng căng thẳng không kém là mối quan hệ chị em dâu, em chồng - chị dâu... Và để điều tiết được các mối quan hệ trong nhà chồng không phải là điều đơn giản.
Cô vợ tên K. kể lại câu chuyện của chính mình. Dù là tình tiết nhỏ lẻ trong cuộc sống hàng ngày nhưng cũng để lại trong mỗi chúng ta nhiều điều cần suy ngẫm.
"Cuối tuần về quê mà buồn quá các mẹ ạ. Nhà chồng em có 2 anh em trai. Thời gian đầu cuộc sống chung đụng, chị em dâu cũng mệt mỏi lắm. Về sau chồng em chuyển hẳn công tác lên Hà Nội nên mẹ con em lên cùng luôn. Hồi ấy cả nhà có bàn bạc cuối cùng mẹ chồng bán miếng đất cho chúng em 500 triệu để mua nhà trên này, còn gần 1 tỷ thì bà đổi nhà to hơn sống cùng vợ chồng anh cả.
Trước đây mẹ chồng em có vẻ cưng dâu trưởng hơn. Em cũng không ghen tị gì vì dù sao chị ấy giỏi giang, tháo vát lại gánh trách nhiệm nặng nề. Bẵng đi 1 thời gian em cứ tưởng 2 người phụ nữ hợp tính nhau thì ở nhà sẽ yên bình nhưng không, mẹ chồng em liên tục than thở về con dâu cả, nói con trai càng ngày càng nghe lời vợ.
Nhiều chuyện mẹ chồng kể em không tin nổi vì nghe quá vô lý, trong khi đó chị dâu lại tỏ ra quan tâm mẹ mỗi lần chúng em về chơi.
Đỉnh điểm là tối qua, em cho con về thăm ông bà nhưng thấy chị dâu không vui lắm. Em chủ động rủ chị đi chợ làm nồi lẩu thì chị rút ví đưa mẹ chồng em 100 nghìn rồi dặn: 'Bà mua gì ngon đãi khách, lát con đi ăn cưới rồi. Chú thím thông cảm cho chị nhé'.
Nhìn sắc mặt mẹ chồng em thấy có gì đó không ổn. Em nói em có tiền đây rồi nhưng chị dâu nhất quyết dúi vào tay mẹ chồng: 'Thôi bà cứ cầm lấy cho con không mai con lại nghe hàng xóm nói ra nói vào con đau đầu lắm'.
Em gặng hỏi mẹ chồng mới kể: 'Mẹ phụ thuộc anh chị đủ thứ mẹ khổ lắm. Sáng nó mua 3 nắm xôi nó ăn 1 nắm, gọi chồng, con lên ăn sáng rồi nó mời mẹ ăn. Mỗi ngày nó đưa mẹ 100 nghìn cho 2 bữa 4 người mà nấu cơm muộn tí thì nó kêu lại đi sang hàng xóm buôn, mỗi bữa cơm không xong. Nó láo lắm mà mẹ chẳng biết làm thế nào, mẹ đang ăn bám chúng nó, nhục lắm. Anh con nó có tin mẹ đâu'.
Mẹ chồng em ngày trước bán rau ngoài chợ, về già không có lương hưu, có miếng đất các cụ để lại thì bán rồi vun vén cho con cái rồi. Nói thật trước giờ mẹ chồng em luôn so sánh em với chị dâu, không ngờ em đi rồi lại ra nông nỗi này. Nhưng thay vì hả dạ em lại thấy thương bà. Giờ già yếu, không làm ra tiền sống phụ thuộc con cái nên khổ vậy.
Trưa nay em đi chợ nấu 1 bữa ra trò để mọi người vui vẻ. Xong xuôi em hỏi ý kiến mẹ và anh chị để mẹ lên nhà em chơi vài ngày cho khuây khỏa. Thực chất em đã bàn bạc với bà từ tối qua là để bà tự quyết định về đề nghị lên Hà Nội ở cùng để vợ chồng em phụng dưỡng, nhưng trước mặt anh chị thì cứ vui vẻ bình thường thôi.
Chị dâu nghe xong cười nhạt: 'Hay hôm qua tôi đi vắng bà lại kể gì với chú thím à?'.
Em vui vẻ đáp lại: 'Bà ở lâu với con cả nên giờ lên chơi với con út ít bữa thôi chị. Chứ bà sợ anh chị vất vả còn không hết ấy chứ'.
Em đã phải ngăn không cho chồng nổi nóng mà chất vấn anh trai, chị dâu mình. Dù sao cũng là người nhà với nhau, mình nói thế nào cũng không thay đổi được suy nghĩ, bản chất của họ, dĩ hòa vi quý vẫn là điều quan trọng nhất. Nhờ thế mà tự nhiên em ghi điểm trong mắt chồng với mẹ chồng".
Làm dâu không phải là chuyện đơn giản, song nó cũng không khó đến mức khiến chúng ta sợ lấy chồng. Thực chất, chỉ cần sống, đối đãi với nhau với cái tâm chân thành thì sớm muộn gì nhà chồng cũng nhận ra và trân trọng thành ý của bạn. Mẹ chồng có thế nào cũng vẫn là người sinh ra chồng mình, không thể chấp nhặt, nhỏ nhen hay muốn gạt họ ra khỏi cuộc sống của mình khi chưa ly hôn.
Sự điều tiết khéo léo và hạn chế nhất những xung đột luôn là cách cư xử thông minh. Bởi nếu bạn lùi 1 bước, có thể sau này là cả 1 bầu trời trải ra trước mắt.
Theo Ngọc Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)