Mắc thủy đậu, bệnh nhân phải lọc máu, chạy ECMO, viện phí hết 400 triệu đồng vẫn 'ngàn cân treo sợi tóc'

05/06/2023 15:57:56

Biến chứng nặng khi mắc thủy đậu khiến người đàn ông ở TP.HCM phải lọc máu, chạy ECMO, viện phí chi trả dự kiến lên đến 400 triệu đồng mà chưa biết khi nào mới phục hồi.

Ngày 5/6, Dân Trí dẫn lời đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, nơi đây đang điều trị một trường hợp bị thủy đậu rất nặng.

Bệnh nhân là anh N.T.L. (39 tuổi, sống tại huyện Bình Chánh, TPHCM). Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, sống bằng nghề giao hàng và chạy xe ôm công nghệ.

Khoảng giữa tháng 5, bệnh nhân phát hiện trên người có nổi một số hạch và đau bụng, yếu chân, nên vào một bệnh viện ở quận 3 (TPHCM) khám và được lên lịch mổ. Tuy nhiên chỉ 2 ngày sau, bệnh nhân bất ngờ lên cơn sốt cao và khó thở nặng, phải nhập viện gấp.

Tại bệnh viện cấp cứu ban đầu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị thủy đậu đã biến chứng, nên tiến hành chăm sóc tích cực rồi chuyển đến tuyến trên ngày 25/5.

Mắc thủy đậu, bệnh nhân phải lọc máu, chạy ECMO, viện phí hết 400 triệu đồng vẫn 'ngàn cân treo sợi tóc'
Bệnh nhân 39 tuổi mắc thủy đậu biến chứng rất nặng. Ảnh: Minh Hoàng/VietNamNet

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh nhân N.T.L. nhập viện trong tình trạng nhiễm thủy đậu biến chứng viêm phổi rất nặng.

Bệnh nhân có cơ địa hạch toàn thân, đã làm sinh thiết, nghi ngờ các hạch là lymphoma (một dạng u huyết học làm tăng phản ứng viêm trên cơ thể). Chính vì cơ địa trên làm cho tình trạng viêm phổi diễn tiến rất nặng nề.

Đến nay, tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi vẫn rất nặng. Bệnh nhân được dùng thuốc đặc trị virus thủy đậu, dùng kháng sinh, kháng nấm, đặt nội khí quản, thở máy thông số cao. Ngoài ra, tình trạng thận của bệnh nhân hơi yếu, nên được lọc máu, điều trị thay thế thận.

Tuy nhiên đến ngày 3/6, bệnh nhân diễn tiến rối loạn toan chuyển hóa, sốc nhiễm trùng nặng, suy đa cơ quan, tính mạng bị đe dọa. Trước tình hình nguy cấp trên, ekip điều trị quyết định sử dụng phương pháp oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Đây là con đường cuối cùng để cứu bệnh nhân.

Hiện tại, anh L. đã chạy ECMO liên tục 3 ngày, nằm điều trị tích cực trong tình trạng hôn mê, chưa thể nói trước điều gì.

Các bác sĩ cho rằng biến chứng thủy đậu như trường hợp trên khá hiếm gặp do diễn tiến nặng nề trong thời gian kéo dài. Mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng dự tính bệnh nhân phải chi trả khoảng 400 triệu đồng viện phí, thông tin trên VietNamNet.

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và có thể bùng phát thành dịch. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm tổn thương ngoài da, lành tính. Đối với các trường hợp khoẻ mạnh mắc thuỷ đậu sau khoảng 1 tuần bệnh sẽ tự hết, không để lại di chứng.

Mắc thủy đậu, bệnh nhân phải lọc máu, chạy ECMO, viện phí hết 400 triệu đồng vẫn 'ngàn cân treo sợi tóc' - 1

Bệnh thuỷ đậu thường có triệu chứng sốt nhẹ, có tổn thương ngoài da là các nốt phỏng mọc trên da, toàn thân. Sau một tuần mắc bệnh, các nốt phỏng có thể tự vỡ hoặc xẹp xuống và thường không để lại sẹo.

Dù là bệnh lành tính tự khỏi nhưng thuỷ đậu có thể mắc nặng ở nhóm người có nguy cơ cao như:

- Người suy giảm miễn dịch.

- Người mắc ung thư đang điều trị hoá chất.

- Người có bệnh lý nền: Đái tháo đường, tim mạch.

Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo, hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, trẻ nên tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm nguy cơ mắc bệnh thuỷ đậu trở lại dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tốt nhất là nên tiêm 2 liều cách nhau sau 6 tuần. Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ cao cần phải tiêm phòng thuỷ đậu.

Đối với trường hợp thủy đậu biến chứng, bệnh nhân cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời để tăng khả năng điều trị. Ngoài ra, việc chủ động mua bảo hiểm y tế sẽ giúp bệnh nhân giảm được gánh nặng viện phí khi chẳng may nhiễm bệnh.

PN (SHTT)

Nổi bật