Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), trong tuần vừa qua (từ 24/3 đến 31/3), tình hình dịch bệnh thủy đậu tại thành phố đang có dấu hiệu lây lan trong trường học, tạo thành nhiều chùm ca bệnh.
CDC Hà Nội thông tin, các chùm ca bệnh trong trường học mới phát hiện như trường mầm non Chu Minh (Ba Vì) có 12 ca; trường mầm non trung tâm huyện Phúc Thọ có 9 ca; trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm ở huyện Thanh Trì 20 ca... cùng các ca lẻ tẻ ở nhiều trường khác.
So với cùng kỳ năm 2022, năm nay số ca thủy đậu gia tăng rất nhanh. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 800 ca thủy đậu, trong khi cùng thời điểm năm 2022 chỉ ghi nhận 11 ca. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào do dịch bệnh này gây nên.
Trước diễn biến này, CDC Hà Nội khuyến cáo việc phòng bệnh trong cộng đồng rất quan trọng. Thủy đậu tuy là bệnh lành tính nhưng nếu chăm sóc và điều trị không đúng cách có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
BSCK I Lê Thị Thu Phương, khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng, lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Do vậy, ai cũng có nguy cơ mắc, nhất là trẻ nhỏ tuổi đến trường, đặc biệt là trẻ đang học mầm non và tiểu học dùng chung đồ dùng, đồ chơi và ở chung không gian kín.
Các triệu chứng bệnh thủy đậu thường xuất hiện trong 7-21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn. Những chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2-3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa, từ đó hình thành nên những chỗ rộp dần dần khô và đóng vảy trong vòng 4-5 ngày. Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những nốt mụn nước và vết loét.
Để phòng bệnh thủy đậu trong trường học, bác sĩ Thu Phương khuyến cáo, gia đình nhà trường cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Vệ sinh đồ chơi, dụng cụ học tập, khử khuẩn bàn ghế lớp học và nơi ở. Tư vấn, hướng dẫn trẻ thực hiện việc vệ sinh tay bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh cần nghỉ học, cách ly với các trẻ xung quanh để điều trị;
- Tiêm vắc xin phòng thủy đậu đầy đủ cho trẻ. Dù trẻ đã tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng sẽ giảm tỉ lệ biến chứng nặng.
Ngoài các biện pháp phòng bệnh chung như đã nói trên, bác sĩ Phương khuyên phụ huynh không nên làm những việc sau:
- Không cần kiêng gió, kiêng nước cho trẻ khi mắc bệnh. Trẻ mắc bệnh vẫn cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh vi khuẩn tấn công gây nên tình trạng nhiễm trùng các vết phỏng trên da.
- Không tự ý dùng thuốc khi mắc bệnh, nhất là các loại thuốc bôi lên các vết phỏng, điều này sẽ gây bít tắc và nhiễm khuẩn, dễ để lại sẹo trên da.
- Không tắm nước lá cây vì có thể gây tổn thương da dẫn tới bội nhiễm, tổn thương da.
- Không gãi các vết bỏng gây loét da và càng nặng hơn. Việc các vết phỏng ngứa ngáy là hệ quả của việc kiêng tắm rửa, dẫn tới vi khuẩn tấn công gây ngứa.
Theo Lê Phương (Phụ nữ & Pháp luật)