Hoa sen, lá sen, ngó sen... Tất cả đều có giá trị làm thuốc trong y học cổ truyền
Ngắm nhìn những dải hoa sen bạt ngàn trong nắng hè, nhiều người chỉ nghĩ đó là thứ hoa để làm đẹp, để làm thơm, làm dịu mát cái nắng oi ả. Ít người biết rằng loại hoa này có thể tận dụng để làm thuốc, từ những cánh hoa cho đến bất kỳ bộ phận nào của cây hoa sen, tất cả đều vô cùng hữu ích, nhất là trong mùa dịch diễn biến nhiều phức tạp.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, lá sen hay còn gọi là liên diệp hay hà diệp có có vị đắng, chát, tính bình, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, có tác dụng thanh thử, thăng dương, chỉ huyết, được sử dụng để làm thuốc an thần, chữa mất ngủ, chữa sốt, miệng khô khát. Loại lá này có tính thanh nhiệt, bình can. Trong lá sen có chứa alkaloid và flavonoid có tác dụng chống oxy hóa lipid màng tế bào gan, do đó còn được sử dụng để chữa chảy máu, đại tiện, tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, chống xơ vữa mạch, rối loạn nhịp tim, xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết, an thần và giảm mỡ máu.
Trong Đông y, hạt sen có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, sáp trường, cổ tinh. Tâm sen có vị rất đắng, có tác dụng an thần nhẹ. Gương sen có tác dụng tiêu ứ, cầm máu. Tua nhị sen có vị chát, tính ấm có tác dụng sáp tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết. Lá sen có vị đắng, tính mát giúp hạ huyết áp, an thần, thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết. Ngó sen giúp cầm máu, tráng dương, an thần…
Một loạt bài thuốc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe từ cây sen, mùa dịch hoành hành càng nên tận dụng
Sen có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Từng bộ phận của cây sen đều có thể được tận dụng để chế biến thành những món ăn, bài thuốc chữa bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ sen được lương y Bùi Hồng Minh đưa ra:
- Người bị bệnh mất ngủ, tăng huyết áp: Tâm sen 2-4g mỗi ngày đem sắc nước uống trước khi đi ngủ. Hoặc bạn có thể sử dụng bài thuốc: tâm sen, lá vông, bình vôi, bá tử nhân đem sắc nước uống cũng có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
- Đại tiện ra máu, nôn ra máu: Ngó sen 6-12g mỗi ngày đem sắc lấy nước uống sẽ giúp chữa chứng đại tiện ra máu, nôn ra máu hiệu quả.
- Chảy máu cam: Gương sen và rễ tranh, mỗi loại 30g đem sắc uống.
- Ngạt mũi kinh niên: Cánh hoa sen khô 100g đem thái nhỏ, phối hợp với bạch chỉ 10g. Cả hai vị thuốc đem giã nhỏ và quấn giấy hút giống như hút thuốc lá liên tục trong 10 ngày sẽ nhận thấy những chuyển biến tích cực.
- Đau do co rút tử cung sau sinh: Cọng sen khô 8-12 cái đun sôi nhỏ lửa, uống khi còn ấm.
- Mỡ máu cao: Lá sen 30g, gạo ngon 50g. Đem ninh lá sen với nước thật nhừ, sau đó đem bỏ bã, rồi cho gạo vào ninh nhừ thành cháo và ăn thay cơm.
- Chữa tiêu chảy, đi ngoài phân sống: Hạt sen 100g, củ mài 50g, quả hồng xiêm non 15g, đường phèn 20g. Hồng xiêm non giã nhỏ, thêm 250ml nước đun kỹ, sau đó chắt lấy nước, bỏ bã. Hạt sen, củ mài sấy khô tán thành bột cho vào nước quả hồng xiêm, quấy đều trên bếp lửa nhỏ thành cháo. Cháo chín cho đường phèn vào đun tiếp cho đường tan hết. Cho bệnh nhân ăn lúc đói, ăn 3 ngày liền, mỗi ngày 3 lần.
- Chữa thiếu máu: Hạt sen 50g, cá quả 300g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 100g. Cá quả hấp, gỡ thịt đem ướp gia vị tùy thích, xương cá đem giã nhỏ, lọc lấy nước. Hạt sen, gạo nếp, gạo tẻ đem nấu nhừ với nước cá quả. Khi nào cháo ăn được thì đổ thịt vào quấy đều, thêm gia vị vừa ăn, ăn khi còn nóng.
- Bồi bổ cơ thể, chữa suy nhược cơ thể: Sử dụng hạt sen để nấu cháo, nấu chè ăn hàng ngày.
- Giảm cân, thanh lọc cơ thể trong những ngày ở nhà mùa dịch: Kết hợp thể dục đúng cách và làm trà uống hàng ngày từ lá sen, tâm sen... sẽ rất hữu ích.
Theo HH (Pháp Luật & Bạn Đọc)