Bỏng lạnh là gì?
Bỏng lạnh là tình trạng các mô sống của cơ thể bị tổn thương hoặc đông cứng do cơ thể tiếp xúc quá lâu trong nhiệt độ thấp. Trường hợp nguy hiểm hơn có thể dẫn đến đông cứng mạch máu, dây thần kinh và các nhóm cơ. Các vị trí dễ bị bỏng lạnh trên cơ thể là bàn chân, tay, mũi và tai.
Bỏng lạnh có thể xảy ra khi để da tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt lạnh như đá, vật dụng kim loại hay chất lỏng lạnh. Kiểu tiếp xúc này có thể tác động ngay đến bề mặt da và gây tổn thương. Để cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ thấp liên tục trong thời gian dài và không mặc áo ấm cũng có thể gây ra tình trạng này.
Những người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc uống nhiều rượu có nguy cơ mắc chứng bỏng lạnh cao hơn do cơ chế nhận biết nhiệt độ của cơ thể bị suy giảm.
Ở mức độ đầu, bỏng lạnh gây tổn thương bề mặt da gây sưng hoặc mất cảm giác nóng lạnh. Vùng da tổn thương có thể xuất hiện bọng nước, dần chuyển sang màu đen và cứng lại. Tình trạng này kéo dài dai dẳng gây đau và khó chịu cho người bệnh trong khoảng 2 – 3 tuần. Ở cấp độ nghiêm trọng, bỏng lạnh có thể ăn sâu vào da gây phù nề, loét thậm chí là hoại tử nếu không được điều trì kịp thời. Trong trường hợp ở trong môi trường có nhiệt độ thấp quá lâu, bỏng lạnh có thể làm hạ thân nhiệt gây hôn mê, co giật và nguy hiểm đến sức khỏe.
Các dấu hiệu khi bị bỏng lạnh
Khi gặp phải tình trạng bỏng lạnh có thể thấy những dấu hiệu sau:
- Có cảm giác ngứa ran hoặc tê cứng ở các vùng da.
- Da bị đổi màu (đỏ, trắng, xám hoặc vàng).
- Đau xung quanh vùng da bị tê cứng.
- Xuất hiện các vết phồng, rộp.
Những triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể là sưng tấy, khớp và cơ cứng không hoạt động, da chuyển màu đen, xuất hiện tình trạng sốt.
Những điều cần làm để phòng tránh bỏng lạnh
Giữ ấm cơ thể: Luôn giữ ấm cơ thể khi ra ngoài, đặc biệt là các vị trí như mặt, cổ, tai, tay, chân... Nên mặc áo giữ nhiệt ở bên trong và dùng các loại áo chống thấm nước ở bên ngoài. Đeo khẩu trang, bịt tai để giữ ấm và che kín các vị trí quan trọng.
Sưởi ấm đúng cách: Ngay khi vừa tiếp xúc với nhiệt độ lạnh bên ngoài nên làm ấm cơ thể từ từ, tránh dùng máy sưởi, túi chườm… hoặc một số vật dụng làm nóng đột ngột để không gây sốc nhiệt. Khi chân bị lạnh nên ngâm chân với nước ấm khoảng 40 độ C, tuyệt đối không ngâm chân trong nước nóng.
Không để da tiếp xúc với nhiệt độ lạnh: Không dùng tay cầm nắm những vật lạnh như đá, đồ kim loại… Không dùng nước lạnh để tắm gội và tránh tắm quá lâu.
Không dùng đồ uống có cồn: Do chúng có thể làm cơ thể mất nước, mệt mỏi và dễ bị tổn thương khi gặp nhiệt độ thấp.
Thường xuyên vận động: Giúp làm ấm cơ thể trong thời tiết lạnh giá và tăng cường sức đề kháng.
Sơ cứu khi phát hiện bệnh: Khi nhận thấy người bị bỏng lạnh thì ngay lập tức cần đưa bệnh nhân đến nơi ấm áp, ủ ấm để tránh làm hạ thân nhiệt sau đó tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa.
Theo Xuân Xù (Helino.vn)