Ireland thu hồi mì tôm Hảo Hảo vì chứa chất cấm: Chuyên gia công nghệ sinh học và thực phẩm nói gì?

28/08/2021 22:51:10

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết thêm, đây là ghi nhận từ mì tôm xuất khẩu chứ không phải trong nước nên người dân không nên hoang mang.

Ethylene Oxide không có vai trò gì trong các loại thực phẩm như mì tôm!

Mới đây, thông tin Ireland ra thông báo thu hồi 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng 24/9/2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng 10/11/2022) là của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam. Còn lại sản phẩm mì hải sản Yato (120g, hạn sử dụng 30/11/2022) có xuất xứ từ Trung Quốc. Nguyên nhân phía Ireland đưa ra là bởi 3 sản phẩm này có chứa Ethylene Oxide, khi dùng trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. 

Thông tin này hiện nay đang nhận được sự quan tâm từ đông đảo người dân.

Ireland thu hồi mì tôm Hảo Hảo vì chứa chất cấm: Chuyên gia công nghệ sinh học và thực phẩm nói gì?
Ethylene Oxide không có vai trò gì trong các loại thực phẩm như mì tôm!

Trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Ethylene Oxide là một chất rất hiếm sử dụng trong chế biến, sản xuất thực phẩm.

"Bởi lẽ, nhà sản xuất không bao giờ sử dụng chất này trong quy trình sản xuất. Nó không có ý nghĩa gì trong thực phẩm. Hiểu nôm na trong trường hợp này, nó giống như là cát cho vào mì tôm, vậy thì không có tác dụng gì, không làm cho sản phẩm ngon hơn cũng như thu được lợi nhuận tốt hơn cho nhà sản xuất", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Theo chuyên gia, Ethylene Oxide là chất có khả năng khử trùng rất tốt nhưng chỉ dùng cho những đồ không có mong muốn về độ ẩm. Ví dụ như sử dụng khử trùng triệt để cho các loại dụng cụ y tế. Trong khi đó, với mì ăn liền thì nhà sản xuất khử trùng theo nguyên tắc vừa làm chín mì vừa cho vào chiên hoặc hấp mì, không liên quan đến việc dùng Ethylene Oxide.

Ireland thu hồi mì tôm Hảo Hảo vì chứa chất cấm: Chuyên gia công nghệ sinh học và thực phẩm nói gì? - 1
Nhà sản xuất khử trùng mì ăn liền theo nguyên tắc vừa làm chín mì vừa cho vào chiên hoặc hấp mì, không liên quan đến việc dùng Ethylene Oxide.

Mì tôm bị thu hồi là sản phẩm xuất khẩu, không liên quan sản phẩm nội địa, phải có cơ quan thẩm định để đảm bảo thông tin chính xác

Ethylene Oxide là một trong những chất nằm trong danh mục chất cấm của Liên minh châu Âu. Ở mỗi khu vực, châu lục, mức độ cho phép các chất được sử dụng cho thực phẩm, hàng hóa, sản phẩm y tế... cũng khác nhau. Đối với Ethylene Oxide cũng vậy.

Ở đây, thông tin mì tôm Hảo Hảo có chứa Ethylene Oxide là sản phẩm xuất khẩu, có thể do hệ thống kiểm tra của Ireland nhận thấy có hàm lượng Ethylene Oxide vượt mức cho phép nên đã ra quyết định thu hồi. 

Để làm rõ vấn đề này, tránh gây hiểu lầm về các sản phẩm, mới đây, Acecook Việt Nam khẳng định 2 sản phẩm mì và miến vừa bị Ireland thu hồi không liên quan sản phẩm nội địa và đang tiến hành phân tích, kiểm tra, điều tra trên diện rộng các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Thịnh khẳng định: "Nhà sản xuất nhận định mì tôm của Acecook ở Việt Nam có như vậy hay không chưa thể kết luận được. Bởi lẽ, mì tôm trong nước và mì tôm xuất khẩu có công đoạn sản xuất khác nhau. Mì xuất khẩu ghi nhận có không có nghĩa là mì trong nước cũng có. Đó là nhận định của nhà sản xuất. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có cơ quan thẩm định để đảm bảo thông tin chính xác".

Ireland thu hồi mì tôm Hảo Hảo vì chứa chất cấm: Chuyên gia công nghệ sinh học và thực phẩm nói gì? - 2
Thông tin mì tôm Hảo Hảo có chứa Ethylene Oxide là sản phẩm xuất khẩu.

Theo chuyên gia, Acecook phải báo cáo đầy đủ có hay không có Ethylene Oxide trong các sản phẩm trên. Nếu không có thì tốt, nếu có thì cần phải có thông tin chính xác có bao nhiêu để khẳng định có đáng lo hay không cần thiết phải lo lắng.

"Dù Acecook có trả lời theo yêu cầu của Bộ Công Thương hay không thì vẫn cần có Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm trả lời. Khi có câu trả lời chính xác từ các bộ thì chúng ta mới cần bàn đến Ethylene Oxide độc hại như thế nào, ảnh hưởng ra sao. Còn hiện tại, chúng ta hãy chờ đợi câu trả lời chính thức từ Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm", chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Trong các sản phẩm ăn uống nếu có Ethylene Oxide thì thường sẽ phát sinh trong quá trình bảo quản trước khi chế biến thực phẩm

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), Ethylene Oxide (EO hoặc EtO) là một hợp chất hữu cơ, có công thức hóa học C2H4O (dạng khí). EO chủ yếu được sử dụng để làm chất chống đông và polyester. Một lượng nhỏ của Ethylene Oxide được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng và thuốc xông hơi cho các loại gia vị, sách, da, giấy, đồ nội thất… 

Ethylene Oxide cũng là một thành phần trong dệt may, chất tẩy rửa, dung môi và chất kết dính. Nếu trong công việc phải tiếp xúc chất này thì cần được bảo hộ rất kỹ càng.

"Trong các sản phẩm ăn uống nếu có Ethylene Oxide thì thường sẽ phát sinh trong quá trình bảo quản trước khi chế biến thực phẩm, ví dụ như xông thực phẩm để tránh ẩm mốc. Sau đó sản phẩm phải được để như vậy trong khoảng thời gian nhất định, đảm bảo không còn chất độc hại này trước khi đi vào các công đoạn chế biến", PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định.

Ireland thu hồi mì tôm Hảo Hảo vì chứa chất cấm: Chuyên gia công nghệ sinh học và thực phẩm nói gì? - 3
Trong các sản phẩm ăn uống nếu có Ethylene Oxide thì thường sẽ phát sinh trong quá trình chế biến thực phẩm.

Người tiếp xúc với Ethylene Oxide nồng độ cao có thể bị co giật, liệt, hôn mê và làm tổn hại gan và thận. Nó có thể gây ra chấn thương hại phổi, nôn mửa, suy nhược, thiếu sự phối hợp, mất trí nhớ, tiêu chảy và tê. Ngoài ra, hóa chất này cũng có thể gây kích ứng nghiêm trọng đến mắt, da, cổ họng, phổi thông qua đường hô hấp, tiếp xúc lâu dài có thể gây ra vấn đề não và hệ thống thần kinh và đục thủy tinh thể, thậm chí ung thư (ung thư máu, ung thư bạch cầu, ung thư vú...).

"Đây là một chất độc mà dù hàm lượng rất ít cũng rất nguy hiểm. Không nên sử dụng những thực phẩm chứa Ethylene Oxide dù hàm lượng chưa đủ gây hại", chuyên gia cho biết.

Ở châu Âu, Ethylene Oxide được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng Ethylene Oxide để khử trùng thực phẩm là không được phép và ngưỡng Ethylene Oxide trong thực phẩm được quy định tại Regulation (EC) 396/2005 về mức tồn dư tối đa của thuốc BVTV trong thực phẩm.

Tại quy định trên, MRLs (ngưỡng tồn dư tối đa cho phép) cho Ethylene Oxide (tổng) được đặt ở mức như sau: Đối với trà, ca cao và gia vị đã được hạ xuống 0,1 mg/kg; MRLs đối với các loại hạt, quả có dầu và hạt có dầu giảm xuống còn 0,05mg/kg, và đối với trái cây, rau, cây đường, nấm và đậu được giảm xuống 0,02mg/kg. MRLs đối với ngũ cốc và các sản phẩm có nguồn gốc động vật được giữ ở mức 0,02mg/kg. Đối với các sản phẩm trồng trọt, MRLs mới được đặt ở mức 0,05mg/kg.

Ở Canada, nồng độ cho phép của EO trong quá trình hun trùng được đặt ở mức 500mg/L và dư lượng của 2-CE được giới hạn ở mức 1500 mg/kg. Vào năm 2017, hợp chất đã được quyết định thay đổi phân loại từ trong nhóm phụ gia thành nhóm thuốc trừ sâu. Ngày nay, Hoa Kỳ và Canada đã đưa ra ngưỡng quy định mức dư lượng tối đa - Maximum Residue Levels (MRLs) cho EO và 2-CE trong gia vị, các loại thảo mộc khô, rau khô và hạt có dầu (kể cả hạt vừng) ở mức 7 và 940ppm tương ứng. Riêng đối với quả óc chó được quy định bổ sung với mức dung sai ở mức 50 ppm tại thị trường Mỹ.

Theo HH (Pháp Luật & Bạn Đọc)