Theo số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới năm 2020, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ mì gói nhiều thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc/Hong Kong và Indonesia. Cụ thể, người Việt đã tiêu thụ tổng cộng 7 tỷ gói mì trong năm 2020, tăng xấp xỉ 30% so với 2019.
Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân chính dẫn đến con số này, bởi ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch Covid-19 toàn cầu. Ngoài ra, tình trạng giãn cách xã hội và thói quen dự trữ thực phẩm của người dân cũng khiến tiêu thụ mì gói tại Việt Nam tiếp tục tăng.
Cùng những doanh nghiệp khác trong ngành, Acecook Việt Nam (hay Vina Acecook) – với các dòng sản phẩm nổi bật mang thương hiệu Hảo Hảo, đã được hưởng lợi không ít. Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) dù được thành lập tại Tp. HCM từ cuối năm 1993 và mang quốc tịch Việt Nam, nhưng bản chất là một doanh nghiệp FDI.
Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty liên doanh Vifon Acecook, với 60% vốn của nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và 40% còn lại của Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tuy nhiên đến năm 2002, Vifon thoái vốn hoàn toàn và Acecook Việt Nam trở thành doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.
Tính đến năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, giá trị 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp này cũng chỉ có duy nhất một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí, với 25,064% cổ phần.
Bước ngoặt đưa Acecook Việt Nam lên vị thế dẫn đầu là khi công ty này cho ra mắt thương hiệu mì Hảo Hảo vào năm 2000. Bằng việc duy trì mức giá bình dân trong suốt nhiều năm (hiện khoảng 3.500 đồng/gói), các gói mì mang thương hiệu Hảo Hảo trở thành món ăn "ruột" của nhiều tầng lớp, từ người lao động đến sinh viên, dân văn phòng,…
Xét về thương hiệu, theo thống kê của Kantar Worldpanel năm 2019, Hảo Hảo là 1 trong 4 nhãn hiệu mì gói nằm lọt top 10 nhãn hiệu thực phẩm được người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất tại nông thôn, và là nhãn hiệu mì gói duy nhất được người tiêu dùng thành thị bình chọn. Trong khi đó, trong nhiều năm liền, Acecook Việt Nam luôn là thương hiệu mì ăn liền được người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất.
Về thị phần, theo dữ liệu của Nhịp sống kinh tế, Acecook Việt Nam cùng với Masan Consumer, Uniben, Asia Foods đang là 4 cái tên chiếm lĩnh thị trường khi nắm giữ gần 88% về sản lượng và 84% về doanh thu. Trong đó, Acecook luôn duy trì vị trí dẫn đầu thị trường và giữ khoảng cách khá xa so với các doanh nghiệp còn lại, với 35,4% về sản lượng và 36% về doanh thu.
Cũng vì thế mà không lấy làm lạ khi kết quả kinh doanh của Acecook vượt trội hơn hẳn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Năm 2019, Acecook giữ vị trí quán quân, ghi nhận doanh thu thuần khổng lồ 10.648 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 1.660 tỷ đồng.
Asia Foods (công ty mẹ) và các nhà máy thuộc hệ thống đạt tổng doanh thu 5.454 tỷ đồng, giữ vị trí thứ hai, còn Masan Consumer thu về 4.968 tỷ đồng từ mảng mì. Như vậy, doanh thu của Asia Foods và mảng mì của Masan Consumer cộng lại cũng chưa theo kịp Acecook.
Những năm gần đây, Acecook đang đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm mì ly. Theo Nikkei, công ty này có kế hoạch tăng doanh số bán mì ly tại Việt Nam lên 350 triệu phần vào năm 2022, gấp đôi so với 2017.
Ngày 20/8, hai sản phẩm của Acecook là mì Hảo Hảo và miến Good đã bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi do có chứa chất Ethylene Oxide. Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài.
Trong khi đó, đại diện Acecook Việt Nam khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty cũng cho biết không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào.
Theo Hoàng Thùy (Nhịp Sống Kinh Tế)