Biến cố có thể ập đến với chúng ta bất kỳ lúc nào trong cuộc đời. Chính vì thế đã là vợ chồng thì nên đồng lòng và nâng đỡ nhau lúc khó khăn, sóng gió. Nếu là "thân ai người đấy lo, bố mẹ ai người đấy chịu trách nhiệm" thì thiết nghĩ cuộc hôn nhân ấy cũng chẳng cần duy trì nữa.
Lê (32 tuổi) chia sẻ vợ chồng cô mua được nhà riêng sau 4 năm chung sống. "Tôi và chồng mỗi người góp một nửa tiền để cùng đứng tên căn hộ. Chồng tôi nói rằng nếu anh ấy bỏ toàn bộ chi phí mua nhà thì sẽ do một mình anh ấy đứng tên thôi...", Lê kể.
Lê chưa bao giờ nghĩ phụ nữ thì được quyền dựa dẫm hay đòi hỏi ở đàn ông. Cô luôn có tư tưởng độc lập và công bằng, những gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng sẽ làm được. Do đó trước đề nghị của Khải - chồng cô, Lê không quá khó chịu. Bản thân cô lúc ấy chỉ dành dụm được 400 triệu. Muốn góp nửa tiền mua nhà với chồng buộc cô phải đi vay mượn thêm 400 triệu nữa, căn nhà vợ chồng cô định mua có giá lên đến 1.8 tỷ đồng.
May mắn Lê vay được của bạn bè thân thiết nên không cần trả lãi. Sau khi hạch toán thu nhập và chi tiêu, áng chừng bản thân có thể trả được nợ trong thời gian giao hẹn với bạn nên cô quyết định vay tiền mua nhà.
Trước nay Lê luôn độc lập kinh tế, cô làm việc tới gần ngày sinh mới nghỉ, hết thời gian nghỉ thai sản lại quay trở lại với công việc ngay. Vợ chồng Lê thuê người chăm sóc con, chi phí trong nhà "cưa đôi" rành mạch và công bằng. Bên cạnh đó Khải cũng là người đàn ông khá quan tâm vợ con, không sa đà vào tệ nạn xấu nào. Chính vì thế Lê cảm thấy hài lòng với cách quản lý hôn nhân đó của hai vợ chồng.
Lê tâm sự: "Mọi chuyện có lẽ sẽ vẫn êm đẹp như thế nếu như mẹ tôi không phát hiện bị ung thư, cần một số tiền khá lớn để chữa trị. Trước đó bà đang kinh doanh một quán tạp hóa nhỏ, đủ chi phí sinh hoạt cho hai ông bà. Bà bị bệnh, ông phải vào viện chăm, quán hàng đóng cửa, bố mẹ tôi không còn thu nhập nữa. Tôi lại là con gái duy nhất của bố mẹ...".
Khải là người đàn ông giỏi giang với mức thu nhập khá tốt. Sau khi góp tiền mua nhà với vợ, anh vẫn còn dư một khoản tiết kiệm không nhỏ. Lê không nắm được cụ thể số tiền là bao nhiêu nhưng chắc chắn đủ khả năng giúp gia đình vợ. Lê xác định chỉ vay tiền chồng, sau này có sẽ trả lại anh, chứ chưa bao giờ có ý định xin Khải cả.
"Nếu là vay thì sao em không đi vay người ngoài? Vay thiên hạ cho có trách nhiệm trả nợ em ạ", Khải hỏi ngược lại Lê khiến cô sững sờ. Giả dụ chưa mua nhà thì chẳng cần Khải nhắc nhở, cô cũng sẽ chủ động làm theo phương án ấy để đỡ phiền hà đến chồng. Nhưng hiện tại Lê đang vướng nợ nần sẵn, thật sự chẳng còn chỗ để vay mượn.
Lê không thích dựa dẫm vào chồng nhưng sự vô tâm, lạnh lùng của Khải trong trường hợp này vẫn khiến cô chạnh lòng. Cô không cầm lòng được, thốt ra vài lời trách móc, oán giận anh. Vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa nhưng anh lại có thể nhẫn tâm mặc kệ vợ chật vật xoay xở lúc khốn khó, trong khi rõ ràng anh thừa khả năng giúp đỡ cô.
"Mẹ của cô cơ mà... Chẳng may bố mẹ tôi ốm, tôi cũng sẽ không nhờ vả cô đâu", tức giận trước sự chỉ trích của vợ, Khải buông lời mất kiên nhẫn. Bằng vài từ ngắn gọn ấy, anh đã vạch rõ ranh giới giữa hai vợ chồng. Chi phí sinh hoạt trong nhà chia đôi, tiền bạc mỗi người tự quản lý, công việc không liên quan đến nhau và giờ đến bố mẹ ai người đó cũng tự chịu trách nhiệm.
"Suy cho cùng chồng tôi có lẽ không sai, việc của ai người đấy phải tự cáng đáng. Chỉ có điều nếu đặt trong mối quan hệ vợ chồng, quá sòng phẳng và rạch ròi lại khiến tôi thật sự lạnh lòng. Nếu kết hôn chỉ để góp gạo thổi cơm chung thì còn đâu cái gọi là tình nghĩa vợ chồng. Mà nếu đã không coi trọng tình cảm, tình nghĩa thì tôi sẽ giải quyết sự việc theo hướng không còn tình cảm vậy", Lê chia sẻ.
Và phương án mà Lê chọn chính là ly hôn. Chỉ có ly hôn thì căn nhà mới được chia đôi và cô có tiền để chữa bệnh cho mẹ. Còn dư ra cô sẽ trả khoản nợ đã vay trước đó, 2 mẹ con Lê hoàn toàn có thể dọn về sống chung với bố mẹ đẻ. Cuộc sống chắc chắn vui vẻ và tràn ngập tiếng cười hơn là cuộc sống phân chia công bằng, rõ ràng tới từng mi li mét ở bên cạnh Khải.
"Chồng tôi tái mặt trước quyết định của vợ nhưng sau khi suy nghĩ kỹ càng anh ấy cũng không níu kéo nhiều. Có lẽ tình cảm trong lòng anh ấy đối với vợ con không lớn bằng tiền bạc... ", Lê tâm sự.
Thực tế vẫn còn những người đàn ông như Khải, không muốn "đầu tư" bất cứ thứ gì vào hôn nhân nhưng vẫn mong có một gia đình êm ấm đi về. Song đó chắc chắn chỉ là giấc mộng hão huyền của những kẻ vô tâm và ích kỷ mà thôi.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)