Hoa lướt Facebook, chợt một bài đăng của chồng khiến cô phải ngừng lại 5 phút để đọc. Trên trang cá nhân của mình, Tuấn khoe 1 xấp tiền dày cộp, mệnh giá 500.000 đồng, cùng dòng trạng thái: ''Thưởng Tết. Năm nay ấm rồi''. Dưới bài đăng anh còn vô tư khoe tiền với bạn bè, hẹn anh A. đi nhậu, anh B. mùng 3 Tết đi ''xòe quạt'',...
Không nhờ bài đăng khoe khoang của Tuấn trên mạng, Hoa còn cứ nghĩ năm nay anh không có lương, thưởng. Bởi gần 30 Tết rồi mà Tuấn vẫn im như thóc, chẳng đưa cho vợ 1 nghìn nào để sắm Tết.
Thấy chồng khoe thưởng cao như vậy, Hoa tủm tỉm cười. Cô nghĩ rằng chắc anh mới lĩnh, thể nào tối cũng đưa cho vợ 1 khoản kha khá để đi mua sắm. Ấy thế nhưng đến tận sáng 30 Tết vẫn không thấy chồng đả động gì hết, Hoa bèn hỏi anh lương thưởng thế nào để còn biết đường lo liệu. Bởi chỉ còn nốt hôm nay chứ để đến mai thì quá muộn.
Khi Hoa vừa dứt lời, Tuấn lộ rõ vẻ không vui. Anh lẩm bẩm: ''Lúc nào cũng tiền, chỉ tiền...'' rồi đưa cho vợ 1 triệu đồng.
Hoa sững người. 1 triệu đồng thì mua được cái gì? Trong khi quà bánh đi Tết năm nào cũng trên 5 triệu rồi. Đó còn chưa kể tiền biếu bố mẹ 2 bên, tiền mua bánh kẹo, mua hoa, cành đào, cây quất bày biện và mua thực phẩm ăn trong mấy ngày Tết.
Hoa thắc mắc vì sợ chồng đưa nhầm. Nhưng anh lại trợn mắt với vợ: "Ô thế thiếu mà em không biết đường bù vào à? Em cũng đi làm cơ mà. Làm vợ phải biết quán xuyến lo toan hết mọi thứ chứ. 1 triệu còn là nhiều đấy. Em lo liệu mà sắm Tết cho tươm tất. Đừng để người ta cười cho, bảo vợ đoảng có cái Tết lo không xong''.
Nói xong Tuấn bỏ đi liên hoan tất niên với đồng nghiệp, chẳng thèm để ý đến Hoa đang bực tức đến đỏ mặt trong phòng. Đợi khi chồng đi rồi, Hoa ngồi xuống ghế, suy nghĩ 1 lúc rồi quyết định cho chồng 1 bài học.
Buổi chiều, Tuấn đi liên hoan về. Anh có vẻ rất vui. Tuấn gọi Hoa và hỏi về việc sắm Tết. Hoa thản nhiên ngồi dũa móng tay, hất mặt về phía bàn, ý chỉ những thứ cô sắm đều ở hết trên bàn.
Nhưng khi đưa mắt theo hướng chỉ của vợ, anh lại giật mình vì không thấy có gì, ngoài mảnh giấy ghi rõ ràng 2 từ: ''Tươm tất''. Tuấn quay ngoắt sang hỏi Hoa như vậy nghĩa là làm sao? Thì cô trả lời: "Chẳng phải anh nói em sắm tươm tất còn gì. Em làm đúng ý anh. 1 triệu mua được đúng 2 từ tươm tất".
Tuấn nổi nóng, nói rằng cô "chơi" anh, không mua được thì không có tư cách là vợ anh. Nghe thế, Hoa đập mạnh cãi dũa xuống ghế, nhìn thẳng mắt Tuấn mà rằng: "Vậy anh giỏi thì anh mua đi. Tôi đưa thêm cho anh 1 triệu nữa để anh lo liệu cả cái Tết này!
Anh nghĩ tôi có tiền à. Hơn 1 năm qua con đi học, anh có đưa cho vợ đồng nào không? Tiền đám hiếu, đám hỉ trong họ, là tôi chi hay anh chi? Lúc nào anh cũng lên mạng khoe mua này mua nọ, anh không biết xấu hổ với vợ con à? Cả 1 năm tôi nhẫn nhịn, hi vọng vào cuối năm, xem anh có thay đổi không? Nhưng anh vẫn thế. Chỉ biết sống ỉ lại vào vợ.
Anh hay khoe Facebook thế, sao không khoe rằng tôi đưa cho vợ có 1 triệu tiêu Tết, thử hỏi 500 anh em của anh xem đó là nhiều hay quá ít? Tôi là vợ chứ không phải mẹ anh, không phải bảo mẫu mà cái gì cũng lo toan tất cả được. Như vậy tôi lấy chồng làm gì, cứ ở 1 mình có phải hơn không.
Anh nói tôi không đủ tư cách làm vợ. Phải. Với người chồng ki kiệt, ích kỷ và hèn kém như anh, tôi làm sao làm vợ được. Tôi giải thoát cho anh nhé. Đơn li dị tôi soạn sẵn rồi, phiền anh ký một nét là được".
Nghe Hoa mạnh miệng như vậy, Tuấn tự nhiên tái mặt. Mùa đông lạnh lẽo mà tự nhiên trán anh lại toát mồ hôi. Tuấn bất ngờ. Bởi anh không biết từ bao giờ vợ anh lại trở nên mạnh mẽ, cứng rắn như vậy. Thậm chí cô còn dám nhắc đến 2 từ li hôn.
Tuấn xuống nước, năn nỉ xin lỗi Hoa. Anh lập tức rút ví đưa cho vợ 1 sấp tiền 500.000 đồng, nói cô muốn mua gì thì mua. Nhưng Hoa giận rồi, cô quyết định để Tuấn lo liệu hết cái Tết này cho biết mặt!
Theo Hướng Dương HT (Nhịp Sống Việt)