Thời gian vừa qua Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám tâm thần sau khi mắc Covid-19. Nhiều người trước đây sức khỏe bình thường, khi mắc Covid-19 triệu chứng cũng rất nhẹ, nhưng hậu Covid-19 lại phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Các bệnh nhân đến khám sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 chủ yếu mắc các triệu chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Bệnh nhân thường rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dễ cáu, khó kiểm soát cảm xúc.
Thông tin trên Dân Trí, theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 45 tuổi (sống tại Hà Nội) đang gặp những vấn đề nặng nề về tâm lý sau khi mắc Covid-19.
Theo chia sẻ của BS Thu, 5 năm về trước, bệnh nhân nhiều lần tìm cách tự sát bằng thuốc sâu, thuốc tân dược quá liều… nhưng không thành. Sau khi đến Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, bệnh nhân được thăm khám và chỉ định uống thuốc. Nhờ vậy, trong nhiều năm liền, sức khỏe tâm thần của bệnh nhân được ổn định.
Tuy nhiên, sau đợt mắc Covid-19 vừa qua, bệnh trầm cảm của người phụ nữ này chuyển biến nặng hơn, trong khi vẫn uống thuốc đều đặn. Theo chia sẻ, bệnh nhân thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, khó chịu, cảm thấy bản thân tội lỗi và là gánh nặng của gia đình. Những suy nghĩ tiêu cực này dần khiến chị tuyệt vọng và thậm chí là bắt đầu nghĩ cách tự sát như là lối thoát duy nhất cho bản thân.
Trường hợp của bệnh nhân được TS Thu đánh giá là tình huống cấp cứu trong chuyên khoa tâm thần. Do đó, bệnh nhân được chỉ định nhập viện và có sự theo dõi sát 24/24h.
Cùng với đó, bệnh nhân được tăng liều thuốc chữa trầm cảm và kết hợp cùng thuốc giảm lo âu mạnh. "Với phương pháp điều trị này, nữ bệnh nhân đã vượt qua được cơn bệnh cấp tính. Hiện bệnh nhân đang ổn định dần", TS Thu cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, việc bị stress, trầm cảm khi mắc Covid-19 là không hề hiếm gặp. Do đó, TS Thu nhấn mạnh rằng, các gia đình cần đặc biệt quan tâm đến người nhà có rối loạn lo âu, trầm cảm (nếu có). Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bệnh nặng hơn sau khi mắc Covid-19, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở chuyên khoa về tâm thần để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Triệu chứng cảnh báo trầm cảm hậu Covid-19
Theo BS Phạm Văn Dương - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, những bệnh nhân sau mắc Covid-19 hay những bệnh nhân có hội chứng Covid-19 kéo dài có những dấu hiệu và triệu chứng sau, kéo dài từ 2 tuần trở lên, cần quan tâm và chẩn đoán trầm cảm sớm:
- Bệnh nhân cảm thấy buồn chán, chán nản, khí sắc trầm liên tục và kéo dài.
- Giảm năng lượng, tăng sự mệt mỏi.
- Giảm quan tâm với các hứng thú, thích thú hàng ngày.
- Cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, giảm giá trị bản thân, giảm giao tiếp với mọi người.
- Cảm thấy tự ti, mặc cảm, thiếu sự tôn trọng.
- Có những thay đổi liên quan giấc ngủ và chế độ ăn. "Có thể bệnh nhân ngủ ít hơn, khó đi vào giấc ngủ, thức dậy sớm hơn", BS Dương cho hay.
"Khi có những dấu hiệu này, bệnh nhân cần đến với các nhân viên y tế để được tư vấn, hỗ trợ sớm nhất các rối loạn về trầm cảm", BS Dương nhấn mạnh.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm hậu COVID-19
Theo ThS.BS Bùi Phương Thảo, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (TP Hà Nội), các tác động tiêu cực của đại dịch khiến con người không kịp thích ứng, từ đó gây ra trầm cảm ở nhóm người dễ bị tổn thương.
"Số người mắc bệnh luôn ở số báo động, trường hợp xấu nhất là tử vong, phải chịu sự cách ly xã hội... gây ra xáo trộn trầm trọng cuộc sống. Mặt khác, những lo lắng sợ bị nhiễm bệnh, sự đau khổ do mất người thân, hoặc những vấn đề về kinh tế như thất nghiệp, giảm thu nhập, bệnh lý mãn tính mà không tiếp cận được các dịch vụ y tế trong thời kỳ bệnh dịch cũng làm gia tăng tỉ lệ trầm cảm", BS Thảo thông tin.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc cơ thể tạo phản ứng miễn dịch chống lại virus cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm hậu COVID-19. Khi bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những chất khác thúc đẩy quá trình viêm để chống lại virus. Tuy nhiên, khi cơ thể không kiểm soát được quá trình viêm thì sẽ gây ra những tác dụng ngược gây hại cho hệ thần kinh. Hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương dẫn đến rối loạn tâm thần trong đó có trầm cảm, thậm chí kể cả sau khi hết nhiễm COVID-19.
Điều trị trầm cảm thế nào?
ThS.BS Trần Quang Trọng - chuyên viên tâm lý Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết mỗi ngày trung tâm điều trị hậu COVID-19 của bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến điều trị gặp các vấn đề tâm lý hậu COVID-19, trong đó trầm cảm cũng là vấn đề phổ biến.
Theo BS Trọng, nếu trầm cảm bệnh nhân sẽ được tiếp cận điều trị đa mô thức. Trước tiên là các liệu pháp trị liệu tâm lý như nhận thức, hành vi, chánh niệm... Với các tình trạng trầm cảm trung bình đến nặng có thể điều trị tâm thần, sử dụng hóa dược/thuốc theo chỉ định của bác sĩ tâm thần khi cần thiết. Việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng cá thể người bệnh.
"Những lời khuyên như tạo thói quen sinh hoạt tích cực; hạn chế đọc quá nhiều tin tức hoặc tìm hiểu thông tin tiêu cực; duy trì các mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động cộng đồng, tôn giáo, từ thiện sẽ dành cho bước chăm sóc sức khỏe tinh thần ban đầu. Còn khi một bệnh nhân bước vào giai đoạn trầm cảm, điều cần thiết là lắng nghe câu chuyện của họ, từ đó tìm ra phương pháp trị liệu phù hợp cho từng người, giải quyết vấn đề phải xuất phát từ chính bản thân bệnh nhân" - ông nói.
Trong giai đoạn mắc COVID-19, người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, tức giận... là điều hết sức bình thường. Đó là các cảm xúc có thể có trong tình huống chúng ta nhận thức bản thân đang phải đối diện với một yếu tố nguy hiểm như dịch bệnh.
PN (Nguoiduatin.vn)