BSCK II Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhi tên N.T.K.B (7 tuổi trú tại Tây Ninh) bị tổn thương tim nghiêm trọng sau khi khỏi COVID-19 được 2 tuần.Gia đình bé B cho biết, trước khi nhập viện 3 ngày bệnh nhi đã có những triệu chứng bất thường. Cụ thể, ngày đầu tiên bé sốt nhẹ và ho ít, ăn uống kém và nôn 2 lần ra thức ăn, dịch trong, không tiêu lỏng.
Ngày thứ hai, bé hạ sốt nhưng lại nôn liên tục 10 lần trong ngày. Bé đã được gia đình đưa đi khám tại phòng khám tư và được chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa. Ngày thứ ba, B có bắt đầu tím tái môi, lừ đừ nên gia đình đã quyết định đưa bé đến bệnh viện địa phương.
Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhi đã có triệu chứng lờ đờ, gồng cơ tay, mắt trợn… Các triệu chứng sau đó ngày càng nặng thêm và trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố với chẩn đoán sơ bộ là viêm cơ tim cấp ngày 3 – block nhĩ thất độ III. BS Tiến cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi đã đã được thở máy, người tím tái, mạch nhẹ, tim lờ đờ, men tim và men gan tăng cao. Tình trạng trẻ diễn tiến nặng, sốc không cải thiện.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể bằng phương thức VA ECMO (kỹ thuật dành cho bệnh nhân suy tim). Ngoài ra, trẻ còn được điều trị tích cực với kháng viêm, kháng đông, điều chỉnh điện giải toan kiềm. Sau 3 ngày được can thiệp ECMO, tình trạng của trẻ cải thiện.
“Đây là một trong các biểu hiện của hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương tim nặng. Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) là di chứng hậu COVID-19 nặng được Bộ Y tế cảnh báo trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho trẻ em”, bác sĩ Tiến cho hay.
Trẻ bị hậu COVID-19, nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vừa qua đã ghi nhận những trẻ đến khám hậu COVID-19. Dễ gặp là những em bé đã khỏi bệnh nhưng tình trạng ho vẫn dai dẳng.
Từ đầu tháng 2 đến nay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương, liên tục tiếp nhận một số trẻ mắc di chứng hậu COVID -19 từ nhẹ đến nặng. Đặc biệt là trẻ bị mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19. Đây là 1 hội chứng mắc phải sau nhiễm COVID-19.
Đa số trẻ bị nhập viện điều chưa được tiêm phòng COVID-19, đáng chú ý đã có những bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu.
Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ đi khám hậu COVID-19?
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc COVID-19 hoặc nghi ngờ (có nhiều trẻ mắc COVID-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm.
"Hiện nay chúng ta đã có những đơn vị thăm khám hậu COVID-19. Người bệnh sau nhiễm COVID-19 vài tuần, vài tháng khi xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần đi khám để chuẩn đoán điều trị.
Riêng với trẻ em, hậu COVID-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu,…
Vì vậy khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không", PGS.TS Bác sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, hiện tại, hậu COVID-19 vẫn là vấn đề còn mới và cần nghiên cứu thêm. Do đó, có thể còn nhiều thay đổi về các triệu chứng, cách theo dõi, phác đồ điều trị bệnh trong thời gian tới.
Những triệu chứng trẻ bị MIS-C hậu COVID-19
Theo TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19 thường xảy ra sau khi em bé bị mắc COVID-19 từ 2-6 tuần lễ.
Biểu hiện lâm sàng của trẻ bị mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19 là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc… nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch, khi có các triệu chứng dưới đây là có biểu hiện mắc hậu COVID-19:
– Trẻ bị sốt cao liên tục trên 24h.
– Trẻ bị nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc.
– Trẻ bị phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân
– Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy.
– Trẻ có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…
PN (Nguoiduatin.vn)