Giám đốc BV K chỉ ra sai lầm chết người của người Việt khi ngừa ung thư

13/11/2018 08:19:14

Ngoài ăn uống, đi bộ đều đều 30 phút/ngày hay uống thực phẩm chức năng có thể giúp phòng ngừa ung thư hiệu quả không?

Đi bộ lững thững không có hiệu quả

Giám đốc BV K cho rằng, để giảm tỉ lệ mắc ung thư, sẽ cần nhiều thời gian. Đây là quá trình thường xuyên, liên tục tuyên truyền về các tác nhân gây ung thư cũng như các biện pháp phòng tránh, hạn chế tiếp xúc các yếu tố nguy cơ để người dân có kiến thức dự phòng chứ không thể một sớm một chiều.

“Đơn cử như ung thư gan, để phòng ngừa, người dân phải tiêm vắc xin ngừa viêm gan B ngay từ bây giờ để phòng tránh viêm gan, xơ gan hay tiêm phòng HPV để ngừa ung thư cổ tử cung nhưng cũng phải 10-20 năm sau mới thấy được tỉ lệ mắc mới 2 loại ung thư này giảm xuống”, GS Thuấn chia sẻ. 

Giám đốc BV K chỉ ra sai lầm chết người của người Việt khi ngừa ung thư
GS Trần Văn Thuấn

Ngoài ra, người dân phải từ bỏ thuốc lá để giảm mắc các ung thư liên quan đến khói thuốc lá như ung thư phổi, họng thanh quản, trực tràng, gan, vú... Thống kê cho thấy, trên 30% bệnh ung thư có liên quan đến thuốc lá.

Trong ăn uống, GS Thuấn lưu ý cần ăn hợp lý và an toàn, chế độ ăn có hàm lượng đạm vừa phải, thay vào đó ăn nhiều hoa quả, rau xanh, tránh ăn thực phẩm ôi thiu.

Đơn cử, nếu ăn dưa quá khú sẽ có nhiều chất nitrosamine gây ung thư vòm họng và ung thư vùng cổ, gạo mốc có nhiều aflatoxin gây ung thư gan...

Song song, cần kết hợp với tập luyện, thể dục, thể thao, tuy nhiên cần lưu ý theo đúng lộ trình, đủ giờ, và đủ cường độ.

“Nôm na có thể áp dụng theo công thức 3-5-7, tức mỗi ngày cố gắng tập luyện tối thiểu 30 phút, tập 5 ngày trong tuần. Nhưng lưu ý cường độ tập, với mùa mát, phải tập toát mồ hôi mới đủ lượng, nếu chỉ đi bộ 30 phút lững thững thì không có hiệu quả phòng ung thư hay các bệnh tim mạch”, GS Thuấn nhấn mạnh.

Theo Giám đốc BV K, thực tế hiện nay có rất nhiều người bỏ số tiền lớn để uống thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng, các loại nấm, sâm... hàng ngày với hy vọng có thể ngừa được ung thư. Tuy nhiên có những thứ rất rẻ, hiệu quả nhất như bỏ thuốc lá, dinh dưỡng hợp lý, thể dục thể thao lại không áp dụng.

“Bỏ thuốc lá không chỉ nâng cao sức khoẻ cho chính bản thân mình mà còn bảo vệ cả những người xung quanh. Nhiều phụ nữ mắc ung thư phổi chính là do hút thuốc lá bị động", PGS Thuấn nói.

Người dân cần tạo thói quen khám dự phòng ung thư hàng năm

Đến nay, để dự phòng ung thư, công tác sàng lọc, phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng nhất, nhất là khi hầu hết bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, chữa trị hết sức khó khăn.

“Ung thư không đáng sợ như chúng ta thường nghĩ. Ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Nhiều nước trên thế giới thường khuyến cáo người dân khám sức khoẻ tối thiểu 1-2 lần/năm để phát hiện nhiều bệnh, trong đó có ung thư. Với một số đối tượng có nguy cơ cao, có thể tầm soát dày hơn và sớm hơn”, GS Thuấn khuyến cáo.

GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, ung thư đang trở thành gánh nặng trên toàn thế giới. Theo xu hướng chung, các nước càng phát triển, tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, rối loạn sức khoẻ tâm thần càng tăng.

Việt Nam đã chuyển từ nước đang phát triển sang nước có thu nhập trung bình, tỉ lệ mắc các bệnh không truyền nhiễm, trong đó có ung thư đang tăng lên qua từng năm.

GS Thuấn dẫn chứng, năm 2000, cả nước có 68.000 ca mắc mới ung thư, đến 2012 tăng lên 116.000 ca mắc mới, 94.000 trường hợp tử vong. Năm 2018, theo số liệu mới nhất của WHO, số ca mắc mới đã tăng lên 165.000 và số tử vong tăng lên 115.000 ca, trung bình cứ 100.000 dân có 154,5 trường hợp bị ung thư.

Giám đốc BV K chỉ ra sai lầm chết người của người Việt khi ngừa ung thư

Giám đốc BV K chỉ ra sai lầm chết người của người Việt khi ngừa ung thư - 1


“Trong 3 mức cao, trung bình, thấp, Việt Nam mới vừa chuyển từ mức thấp lên mức trung bình, đứng vị trí 99/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có số liệu về ung thư, để thấy tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam không phải quá cao”, GS Thuấn thông tin.

Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân.

GS Thuấn nhận định, trong tương lai, các bệnh không lây nhiễm sẽ tiếp tục gia tăng tại Việt Nam, trong đó tỉ lệ mắc ung thư sẽ ngày càng nhiều.

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet) 

Nổi bật