Theo điều tra GATS 2015, Việt Nam có hơn 15,6 triệu người hút thuốc lá, kéo theo 28,5 triệu người hít khói thuốc thụ động tại nhà và hơn 5,9 triệu người bị hút thuốc thụ động tại nơi làm việc. Hàng triệu người hút từ 14 điếu trở lên mỗi ngày. Theo một số liệu khác, 20.000 người tử vong vì ung thư phổi và hơn 23.000 ca mắc mới mỗi năm ở Việt Nam. Dù biết tác hại của thuốc lá, nhiều người vẫn không thể từ bỏ.
Trao đổi với VnExpress, Thầy thuốc Ưu tú, PGS. TS. BS. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định bỏ thuốc là một quá trình không dễ dàng.
- Thuốc lá tác động như thế nào đến sức khỏe con người và theo những cơ chế nào?
- Nhiều người nghĩ rằng chỉ phổi mới chịu ảnh hưởng, thực ra thuốc lá tác động đến mọi cơ quan trong cơ thể. Nghiên cứu khoa học cho biết khói thuốc lá chứa trên 4.000 – 7.000 tạp chất, trong đó có 43 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư. Nói chính xác thì khói thuốc chứ không phải hút thuốc mới có liên quan đến bệnh ung thư phổi, vì có những bệnh nhân mắc ung thư phổi trong khi chưa hút thuốc bao giờ.
Chất hắc ín trong khói thuốc có thể bám ở các bộ phận cơ thể lâu dài. Bạn tưởng tượng phổi của người hút thuốc lâu năm sẽ đen, không hồng, mịn, co dãn và xơ hoá như món thịt trâu gác bếp. Bồ hóng vốn được dùng để chống mối mọt nên nhiều bệnh nhân của chúng tôi cũng hay nói vui hút thuốc để phổi khỏi mọt, mối gặm nhấm!
Ngoài phổi, khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, gây viêm nhiễm đường hô hấp (miệng, họng hầu, thanh quản, phế nang phổi), qua phổi ngấm vào thành mạch, máu, gây tổn thương trong lòng mạch máu. Khói thuốc tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây các bệnh ung thư về tai mũi họng.
Phụ nữ hút thuốc thụ động có thể bị gia tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Trong khi với trẻ em là tăng khả năng bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng do bị giảm tiết sữa ở người mẹ.
- Theo ông, cách tiếp cận với vấn đề thuốc lá của Việt Nam hiện nay ra sao?
- Ngành Y tế Việt Nam sau 1954 đã quan tâm tới việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, tất cả các hành vi có hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ, vệ sinh môi trường, vệ sinh công cộng trong đó có thuốc lá. Nhưng theo tôi, những hình thức này chưa truyền thông tới đủ đối tượng và chọn đúng, đủ các kênh truyền thông.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Việt Nam nằm trong danh sách 15 nước có số người trên 15 tuổi hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN với hơn 15 triệu người hút trực tiếp. Còn gần 34,5 triệu người bị ảnh hưởng hút thuốc thụ động mà đa số là phụ nữ và trẻ em.
Tôi cho rằng chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá chưa đủ vì nếu không đủ khả năng mua thuốc lá loại đắt, người sử dụng chuyển sang loại rẻ. Những người này đã nghèo lại càng dễ mắc bệnh.
Các doanh nghiệp thuốc lá cho rằng họ nộp thuế cao, đóng góp ngân sách nhà nước phục vụ phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm. Nhưng có một con số thú vị từ nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng thì số tiền họ đóng góp cho đất nước, cũng đúng bằng số tiền chi trả (theo khía cạnh tổng chi phí xã hội) khám, chữa cho người mắc bệnh liên quan đến hút thuốc lá.
Dĩ nhiên, thực tế mà nói thì thay đổi hành vi là không đơn giản. Tôi nghĩ ở Việt Nam, chúng ta phải chấp nhận đối diện sự thật là không thể tuyệt đối cấm được việc hút thuốc lá ở mọi nơi, mọi lúc, và cũng không bắt tất cả những người nghiện thuốc lá bỏ thuốc 100% được. Mà hãy tìm cách nào đó giúp họ trả lời câu hỏi "Tôi không cai được thuốc thì làm thế nào"?
- Tại sao nghiện thuốc lá lại khó bỏ như vậy, thưa bác sĩ?
- Tôi cho rằng nguyên nhân đi theo chiều dài lịch sử văn hóa, thói quen cố hữu của con người và người Việt Nam.
Người hút thuốc có rất nhiều lý do để hút, có dịp để vui vẻ, "chè chén" cùng nhau. Bao thuốc có mặt trong đám hiếu, hỷ, giỗ chạp, tất niên, tân niên. Các cụ xưa hay nói miếng trầu là đầu câu chuyện còn nay nhiều người biến tấu thành "điếu thuốc là đầu câu chuyện". Nhiều người cũng coi việc hút thuốc ở nhà là bình thường, vô hình trung, tạo thành thói quen xấu cho các thành viên khác trong gia đình.
Nghiên cứu cho thấy, sau khi hít một hơi thuốc chỉ 8 giây là nicotine lên não, tạo ảo ảnh tác động vào thần kinh, mang lại cảm giác khó quên đối với người hút thuốc lá. Trong khi 45% người nghiện cocain bỏ được thì chỉ 8% người hút thuốc lá bỏ thuốc thành công. Nhìn con số có thể nhận thấy mức độ khó khăn ra sao.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy càng những người ở khu vực xa thành thị, có kinh tế hộ gia đình thấp lại nghiện thuốc nhiều.
- Vậy theo bác sĩ, người nghiện hoặc có thói quen hút thuốc lá có thể từ bỏ bằng cách nào?
- Họ có thể từ bỏ nếu lý trí đủ vững vàng cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng bao gồm người thân, bạn bè, ý thức xã hội và sự tư vấn của các bác sĩ. Nhưng điều này rất khó bởi họ đã quen với trạng thái hưng phấn kích thích mà thuốc lá tạo ra trong một thời gian quá dài, và một môi trường quá dễ dãi.
Trong thực tế, chúng ta cũng đã làm được khá nhiều để phòng chống sự ảnh hưởng của hút thuốc (bệnh tật, môi trường, an toàn cháy nổ, văn hoá,...) quy định không hút thuốc lá nơi công cộng như ở sân bay, trên máy bay, khách sạn, bệnh viện, trường học,... Như vậy về mặt tâm lý, người nghiện thuốc có thể dừng mong muốn hút thuốc khi có mặt ở những nơi đó. Do đó, tôi cho rằng trong tương lai, chúng ta có thể tiến tới giúp người nghiện hút bỏ thuốc lá hoàn toàn bằng các quy ước xã hội. Còn hiện tại, tôi vẫn mong muốn họ có biện pháp nào đó để giảm thiểu tác hại của việc hút thuốc trong khi chưa thể cai nghiện thành công. Tìm cách hỗ trợ những người nghiện thuốc có thể sử dụng sản phẩm mang tính giảm thiểu tác hại và từ đó dần bỏ thuốc lá, còn hơn là giữ nguyên tình trạng đang nghiện nặng của người hút.
- Sản phẩm hỗ trợ như ông nói có cơ chế hoạt động như thế nào và hiệu quả ra sao?
- Thế giới áp dụng nhiều sản phẩm thay thế thuốc lá như miếng dán nicotine, kẹo cao su nicotine, ống xịt nicotine, thuốc lá điện tử, và thuốc lá hun nóng.Thuốc lá điện tử dùng thiết bị để truyền dẫn dung dịch chiết xuất nicotine dạng lỏng bốc hơi nicotine cho người dùng.
Còn thuốc lá hun nóng sử dụng thiết bị để truyền dẫn nicotine cho người dùng từ lá thuốc lá thiên nhiên được đặc chế trên nguyên tắc chỉ hun nóng thuốc lá ở một nhiệt độ vừa đủ dưới 350 độ C, thay vì thuốc lá truyền thống đốt cháy ở nhiệt độ hơn 600 - 1.000 độ C, tạo ra rất nhiều độc chất và gây ung thư. Các sản phẩm thay thế này, như dòng sản phẩm IQOS được gọi là "heat-not-burn" nghĩa là chỉ hun nóng mà không đốt cháy, thuốc lá này không tạo khói mà chỉ có làn hơi nước mỏng, không tàn thuốc, mùi nhẹ, không ám vào răng miệng, quần áo.
Hiện vẫn có tranh cãi về hai dòng sản phẩm thay thế thuốc lá này. Vì chưa đủ bằng chứng khoa học lâu dài để chứng minh các sản phẩm giảm thiểu tác hại cho người dùng khi sản phẩm chỉ mới tồn tại trong một thập kỷ.
Tuy nhiên, có một số quốc gia đã chấp nhận sản phẩm thay thế như một bước trung gian của quá trình thúc đẩy bỏ thuốc lá truyền thống. Như Tổ chức Y tế Công cộng Anh trực thuộc Bộ Y tế Anh đã công bố các sản phẩm này có khả năng giảm thiểu đến 90 - 95% tác hại so với thuốc lá điếu thông thường.
Theo tôi, trong khi chưa dễ dàng từ bỏ được thói quen có hại đó thì nên đối diện với thực tế để lựa chọn giải pháp bớt nguy hại hơn, tiến tới loại bỏ thói quen này.
- Ông có lời khuyên gì đối với những người chưa thể từ bỏ thuốc lá và đang muốn sử dụng sản phẩm thay thế?
-Tôi khẳng định là không sản phẩm thuốc lá nào là tốt cả, chúng đều gây ra tác hại đến sức khỏe của người sử dụng với các cấp độ khác nhau.
Nhưng đối với người nào không thể bỏ thuốc và cần nạp một lượng nicotine nhất định vào cơ thể thì sản phẩm thay thế thuốc lá có thể là một lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có hành lang pháp lý hay bất cứ quy định pháp luật nào cho các sản phẩm thay thế, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá công nghệ, mà chỉ tập trung tuyên truyền, tư vấn cai nghiện và phát triển các cơ sở pháp lý để cấm đoán, vì vậy thị trường sản phẩm này hiện có nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Người sử dụng cần tìm hiểu thông tin một cách cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm cho mình. Thực tế vẫn có bệnh nhân của chúng tôi sử dụng cả sản phẩm thay thế lẫn thuốc lá điếu truyền thống, việc này sẽ không hiệu quả về bài toán kinh tế cũng như có tác hại đến sức khỏe.
Muốn sử dụng thuốc lá công nghệ như một bước trung gian để cai thuốc, người sử dụng cũng cần có quyết tâm và cần cẩn trọng khi lựa chọn các sản phẩm thay thế thuốc lá.
Theo Hồng Dung - Ngọc Thi (VnExpress.net)