Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin hàng ngàn viên thuốc làm từ thịt người nguồn gốc Trung Quốc dạng viên con nhộng có tác dụng chữa rất nhiều loại bệnh đang khiến dư luận không khỏi xôn xao lẫn rùng mình.
Thuốc điều trị ung thư bằng... "thịt người"
Theo đó, loại thuốc làm từ thịt người được cho là bị Nigeria báo động gấp lên đến hàng trăm ngàn viên, đang được nhập khẩu và lưu hành tại nước này.
Thuốc ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh ở giai đoạn cuối.
Để tránh cho người dân hoang mang, lo sợ loại thuốc này tràn vào Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã gửi công văn tới Sở Y tế các tỉnh thành trực thuộc trung ương, khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc "làm từ thịt người".
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Ban chỉ đạo 389 tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước đây Việt Nam đã từng có thuốc bào chế từ nhau thai
Trao đổi xung quanh vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TP.HCM cho biết Việt Nam đã từng sử dụng thuốc bào chế từ một phần cơ thể con người là nhau thai từ khá lâu. Đó là thuốc bổ Filatov.
Thuốc Filatov được bào chế theo phương pháp của BS Vladimir P. Filatov (Nga). Theo phương pháp này, khi một tổ chức sống của động vật bị cắt rời khỏi cơ thể (như nhau thai) và được bảo quản trong điều kiện không thuận lợi cho sự sống (đặt ở nhiệt độ thấp 2-40C), tổ chức ấy sẽ tìm cách thích nghi với nghịch cảnh bằng cách tiết ra những chất kích thích gọi là biostimulin (kích sinh tố).
Nếu đưa biostimulin vào cơ thể người (bằng cách uống hay tiêm) sẽ kích thích các phản ứng sinh học, thúc đẩy các quá trình chuyển hóa thuận lợi, làm tăng sự đề kháng, bồi dưỡng các chức năng sinh lý, chống lại sự xâm nhập của bệnh tật.
Theo PGS Đức, chế phẩm Filatov thường được phối hợp với các dược phẩm khác trong nhãn khoa, phụ khoa và lão khoa để tăng hoạt tính của các thuốc phối hợp nhằm đề kháng với bệnh nhiễm khuẩn, làm mau lành các tổn thương, bảo vệ cơ thể đối với các độc chất…
Cho tới nay, bản chất của các biostimulin vẫn chưa được biết đầy đủ, đồng thời chế phẩm Filatov không còn sản xuất và sử dụng nữa.
Hiện nay, các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như nhau thai người, gan thận súc vật… đã được thế giới khuyến cáo không sử dụng vì không có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh tác dụng một cách rõ ràng mà nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn.
Nguy cơ gây nhiễm siêu vi
Đồng tình với quan điểm trên, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Y Dược học dân tộc TP.HCM cho biết thêm, thuốc bổ Filatov là ứng dụng của nhau thai trong Tây y.
Còn Đông y gọi đó là Tử hà sa, một vị thuốc bổ dương, được sử dụng khi bệnh nhân bị dương hư.
TS Lan nhận định, nhau thai người (tử hà sa) cũng là một protein nên vấn đề sử dụng, bảo quản rất phức tạp, dễ hư hỏng.
Tử hà sa khi dùng phải phơi, sấy, tán bột, không cho vào nồi thuốc sắc mà khi sắc xong mới đổ bột này vào chén thuốc để uống sau.
Tuy nhiên, tử hà sa ẩn chứa nguy cơ bệnh lây nhiễm qua đường máu còn trong nhau thai như viêm gan siêu vi B, C… nên y học cổ truyền từ lâu không còn sử dụng.
Tử hà sa không phải là vị thuốc tuyệt đối không thể thay thế. Tuỳ công dụng có thể thay thế bằng những vị thuốc khác như thuốc bổ dương nhục thung dung, hoàng tinh, thuốc bổ huyết thục địa, đương quy...
Cũng theo BS Lan, gần đây tử hà sa được quảng cáo sử dụng nhiều trong mỹ phẩm. Nhiều người cho rằng trong nhau thai có tế bào gốc, công dụng làm đẹp.
Tuy nhiên quá trình chế biến rất khó đảm bảo vấn để vệ sinh, loại trừ được các mầm bệnh.
Do đó BS Lan khuyến cáo muốn dưỡng da, làm đẹp cần chú ý đến tổng trạng sức khoẻ.
Còn những viên thuốc chứa thịt người từ phôi thai, nhau thai mới báo cáo ở Nigeria, BS nhận định chứa rất nhiều mầm bệnh và siêu vi, nhất là siêu vi gây viêm gan B.
Theo Hoàng Lê (Thời Đại)