Tử vong vì cố chịu bệnh
Những ngày dịch Covid-19, vì lo ngại nơi đông người, sợ đến bệnh viện mắc thêm bệnh nên nhiều bệnh nhân đặc biệt là những người mắc các bệnh đái tháo đường, tim mạch có nguy cơ biến chứng nặng.
PGS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ liên tiếp trong 3 ngày qua Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nhưng ở 3 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau và kết quả cũng khác nhau.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân đã có tiền sử tim mạch, đái tháo đường nhưng hết thuốc 1 tuần mà không đi tái khám, lúc nhập viện đã rơi vào tình trạng sốc tim nặng nên không qua khỏi sau vài tiếng cấp cứu tích cực.
Bệnh nhân thứ hai 58 tuổi. Trường hợp này đáng tiếc là xuất hiện đau ngực từ hôm trước nhưng nhất định không đi khám, đến đêm cơn đau xuất hiện dữ dội hơn nhưng gia đình vẫn chần chừ đến sáng sớm mới đưa vào viện. Bệnh nhân vừa nằm lên cáng của phòng cấp cứu thì xuất hiện rung thất. 2 tiếng đồng hồ ép tim, sốc điện nhưng bệnh nhân vẫn tử vong.
Trường hợp khác may mắn hơn, bệnh nhân sau khi đau ngực vài tiếng đồng hồ, gia đình bàn đi tính lại cũng quyết định đưa ông nhập viện. Đến nơi rơi vào tình trạng phù phổi cấp huyết động. Bệnh nhân được đặt nội khí quản và can thiệp ngay trong đêm. Hiện tại, bệnh nhân đã được bỏ thuốc vận mạch và có dấu hiệu hồi phục tốt.
PGS Hiếu cho biết cả ba bệnh cảnh lâm sàng khác nhau với kết quả khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung đó là Covid-19. Bệnh nhân sợ mắc Covid-19 nên không dám tới các cơ sở y tế khám bệnh dù hết thuốc. PGS Hiếu cho rằng khi hết thuốc, khi có dấu hiệu bệnh tái phát hay khi có những triệu chứng khác thường hãy liên hệ ngay với hệ thống y tế.
Người bệnh cần làm gì?
PGS Tạ Văn Bình – chuyên gia về nội tiết và chuyển hoá, đái tháo đường cũng lo ngại người dân sợ dịch bệnh không đi khám theo đúng hẹn, quên thuốc sẽ rất nguy hiểm.
Các bác sĩ đã từng chứng kiến có bệnh nhân sắp tới ngày cưới của con hết thuốc không đến viện mà chờ đợi lo cưới cho con xong mới đi tái khám kết quả bệnh nhân đã bị hôn mê sâu do hạ đường huyết đột ngột.
Hay cũng có bệnh nhân bị bệnh tim mạch nếu thiếu thuốc họ sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Trường hợp của bệnh nhân N.V.Đ. 71 tuổi, ngoại thành Hà Nội là điển hình. Ông Đ. bị mạch vành, hàng ngày ông phải uống thuốc trong đó có thuốc chống đông máu vô cùng quan trọng.
2 tuần hết thuốc và không có thuốc uống, ông thấy tình hình dịch, sợ mắc bệnh nên không đi tái khám hay xin tư vấn bác sĩ. Kết quả ông bị tai biến mạch máu não nhẹ. Khi vào viện ông mới chỉ liệt nhẹ nửa người.
Lúc bác sĩ tư vấn mới biết vì hết thuốc hơn hai tuần nhưng không đi viện, cũng không nói với gia đình dẫn tới không ai biết ông bị hết thuốc. Chỉ khi thấy liệt, yếu con trai ông mới vội vàng đưa đi viện cấp cứu.
Hay như trường hợp cụ ông N.V. Đ. quê Hưng Yên, ông Đ. bị biến chứng sau phẫu thuật ruột thừa gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết. Trước đó ông Đ. bị đau bụng. Vì đang mắc thêm tiểu đường nên nói đến đi viện, bệnh nhân ngại cố chịu đau và tự uống thuốc. Khi không chịu được mới vào viện thì đã được xác định viêm phúc mạc biến chứng từ viêm ruột thừa.
Sau phẫu thuật tình trạng nặng bệnh nhân đã hôn mê do nhiễm khuẩn huyết nặng và đưa lên Hà Nội nhưng vẫn không kịp vì tình trạng quá nặng.
Hiện nay, trước dịch Covid-19, BHXH đã cho bệnh nhân được cấp phát thuốc 2 tháng. Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng khuyến cáo với các cơ sở y tế có thể cấp phát thuốc 2, 3 tháng cho những bệnh nhân mãn tính. Điều này sẽ giúp người bệnh đỡ phải đi lại và hạn chế tập trung đông người ở bệnh viện hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh không nên lo sợ dịch mà không tái khám hoặc hết thuốc vẫn cố gắng chịu. Với những người cần sử dụng thuốc hàng ngày như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch nên xin tư vấn bác sĩ không nên sợ dịch dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.
Theo Ngọc Anh (Trí Thức Trẻ)