Người có bệnh lý nền cần làm gì để phòng COVID-19?

17/03/2020 07:07:25

Theo các chuyên gia, những người có các bệnh lý nền mãn tính như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ gan, viêm gan, thận mãn tính… khi mắc bệnh COVID-19 thường có những triệu chứng nặng nề hơn với những người khác.

Người có bệnh lý nền khi mắc thường nặng hơn

Trong số các bệnh nhân người nước ngoài mắc COVID-19 đang được điều trị tại Việt Nam thì bệnh nhân người Anh, 69 tuổi đã có tiền sử mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp hiện được đặt thở máy, lọc máu và chuyển sang khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị. Hay bệnh nhân nữ người Việt, 64 tuổi có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình cũng có biểu hiện suy hô hấp tăng. Các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch trong T, chuyển bệnh nhân tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị.

Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong như Trung Quốc, Italia… tỷ lệ bệnh COVID-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền mãn tính đi kèm. Ở nước ta, tỷ lệ người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn tiền đình, sa sút trí tuệ, ung thư, các bệnh lý cơ xương khớp… chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là ở người cao tuổi.

Người có bệnh lý nền cần làm gì để phòng COVID-19?
Người già, người mắc bệnh lý nền… tốt nhất nên hạn chế đến nơi đông người.

 

Vì sao với những người cao tuổi, người có bệnh lý nền lại thường nặng hơn khi mắc COVID-19? Về điều này, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM) đã chia sẻ, người bệnh khi mắc COVID-19 có kèm bệnh lý nền nguy cơ diễn biến bệnh xấu là có thể. Nhóm người có bệnh lý nền như tăng huyết áp là yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19 đã được khuyến cáo ngay từ đầu của thế giới cũng như ngành Y tế Việt Nam. Cao huyết áp cũng như các bệnh lý nền tương tự khác như tim mạch, tiểu đường... những người mắc càng cần phải chú ý hơn trong mùa dịch COVID-19 này vì sức đề kháng kém.

Mắc COVID-19 làm cho tình trạng các bệnh nền nặng hơn, biến chuyển từ mạn tính ổn định sang tình trạng cấp tính có nhiều biến chứng của các bệnh nền. Bệnh diễn tiến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus. Do đó khi đã mắc sẽ thường dễ tử vong hơn, nhất là người có bệnh lý nền lại thêm tuổi cao nguy cơ càng lớn. Chức năng trong cơ thể họ suy giảm. Việc suy giảm hệ thần kinh dẫn tới nhận thức, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch khó khăn… điều này làm cho sức đề kháng của người bệnh suy yếu.

Đối với bệnh lý nền ung thư, GS.TS Trần Văn Thuấn (Giám đốc Bệnh viện K) cũng cho biết, người ung thư có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 (SARS-CoV-2) cao hơn so với người không ung thư. Các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là các thuốc sử dụng trong hóa trị có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên mọi người cũng không nên lo lắng quá. Nếu người bệnh bị sốt khi điều trị nhưng không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19 thì không có gì phải lo. Trường hợp biểu hiện bất thường nên liên lạc bác sĩ điều trị và tuân thủ các hướng dẫn.

Cần kiểm soát tốt bệnh lý nền

Để phòng chống dịch COVID-19, BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, ngay khi nhiễm COVID-19, các bệnh lý nền sẽ nặng nề hơn nên người có sẵn tiền sử bệnh lý nền phải lưu ý kiểm soát tốt bệnh lý nền bằng thuốc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Chẳng hạn, người có bệnh lý về đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh… sẽ được các bác sĩ chuyên môn kê tùy theo bệnh lý, cần duy trì điều trị thường quy theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Nếu cơ thể có bất kì thay đổi nên báo cho bác sĩ hoặc đi khám càng sớm càng tốt.

Mỗi người cần trang bị cho mình một số kiến thức hiểu biết về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và tuân thủ chặt chẽ hơn. Chú ý chích ngừa cúm vì cúm là một loại virus gây tổn thương đường hô hấp, tác nhân có thể phòng ngừa được. Khi chích ngừa cúm rồi mà vẫn có những triệu chứng giống cúm thì nghi ngờ mắc COVID-19 tăng hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nâng cao sức đề kháng bằng việc chú ý chế độ dinh dưỡng cần ăn uống đủ chất. Đủ chất ở đây là đảm bảo được các chất dinh dưỡng nhiều kalo, năng lượng như đạm, mỡ, chất béo… cơ thể đủ năng lượng, sức đề kháng chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ. Đồng thời chú ý phải uống đủ nước. Cơ thể đủ nước sẽ hỗ trợ hệ bài tiết đào thải các chất cặn bã giúp cho hệ thống miễn dịch tốt phát hiện và tiêu diệt tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Theo khuyến cáo Bộ Y tế, cách giảm nguy cơ lây nhiễm virus là vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi ra khỏi nhà hay tiếp xúc với nhiều người; tránh sờ tay chưa được rửa sạch lên vùng mặt, mắt, mũi, miệng vì sẽ khiến virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.

Với những người có hệ miễn dịch kém như đang mắc bệnh lý nền… tốt nhất nên hạn chế đến nơi đông người. Ra khỏi nhà, cần đeo khẩu trang đúng cách, không sờ lên mặt ngoài khẩu trang, không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch, phơi nắng cho khô sau mỗi lần sử dụng.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, không chỉ người có bệnh lý nền mà tất cả mọi người cần ngủ đủ giấc và ngủ sâu để tăng đề kháng chống chọi với COVID - 19. Giữ tinh thần lạc quan và lối sống tích cực. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tâm lý lạc quan hay tình trạng căng thẳng đều có tác động không nhỏ đến hệ miễn dịch của con người. Hệ miễn dịch sẽ mạnh hơn, các tế bào miễn dịch phản ứng hiệu quả đối với các virus hoặc vi trùng xâm nhập.

Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)

Nổi bật