Mới đây, Cơ quan ANĐT tỉnh Long An cho biết đang khẩn trương lấy lời khai một số cá nhân, trong đó có Lê Tùng Vân (SN 1932) để làm rõ về dấu hiệu phạm tội: loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Hiện Cơ quan an ninh điều tra vẫn đang thẩm vấn, lấy lời khai các cá nhân có liên quan.
Theo thông tin các cơ quan báo chí đăng tải, đa số trẻ em sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai đều có quan hệ huyết thống (cha-con) với Lê Tùng Vân. Đáng nói là có trường hợp trẻ sinh năm 2018, có nghĩa thời điểm đó Lê Tùng Vân đã 86 tuổi.
Trước sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu nam giới gần 90 tuổi có còn khả năng tình dục và sinh con? Trường hợp Lê Tùng Vân có phải là bất thường?
Một bác sĩ chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện tư nhân ở Hà Nội cho biết, việc nam giới tuổi cao vẫn có khả năng sinh con là rất bình thường. Ở nữ giới, thường khi đã mãn kinh, nếu muốn có con thì cần thực hiện hỗ trợ sinh sản, hoặc tuổi cao thì bộ phận sinh sản cũng sẽ thoái hóa (teo đi), sức khỏe giảm sút nên khó có thể sinh con.
“Còn với nam giới, ở tuổi cao dù sức khỏe và chất lượng tinh trùng kém nhưng duy trì được khả năng này. Nếu tinh trùng đủ khỏe thì vẫn có thể thụ tinh và sinh con”, vị bác sĩ này cho hay.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà) cho biết, về lý thuyết, nam giới còn sự sống thì vẫn còn khả năng sinh con, trừ những người bị chẩn đoán vô sinh. “Với những nam giới tuổi cao, tạm chưa bàn đến vấn đề quan hệ tình dục thế nào, nhưng về lý thuyết chỉ cần đưa được tinh trùng vào gặp trứng của người phụ nữ và thụ tinh được thì vẫn mang thai bình thường.
Khi nam giới còn sống thì “bộ máy” vẫn sản xuất tinh trùng, có thể chất lượng tinh trùng người cao tuổi sẽ kém, nhưng kém không có nghĩa là không thể thụ tinh được”, bác sĩ Dung cho hay.
Đối với vấn đề quan hệ tình dục ở người cao tuổi, bác sĩ Dung cho biết, cả nam và nữ khi về già đều vẫn có nhu cầu nhất định. Nhu cầu này ở nam giới thường cao hơn và hay thể hiện ra ngoài. "Tất nhiên, việc quan hệ tình dục ở người cao tuổi có rất nhiều kiểu và nhiều cách để làm thỏa mãn, chứ không nhất thiết phải hùng hục như khi còn trẻ", bác sĩ Dung nói.
Nói về hôn nhân cận huyết, thông tin trên báo Dân Trí, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, đây là một hệ lụy nguy hiểm, cần phải loại bỏ. Trên thực tế, pháp luật cũng có quy định rõ ràng cấm hành vi hôn nhân cận huyết, loạn luân.
Trong lĩnh vực y học, hôn nhân cận huyết là một nguy cơ để cho các bệnh lý di truyền gen lặn trong các gia đình có khả năng bộc lộ ở những thế hệ sau, nếu những người đó cùng huyết thống.
"Những bệnh di truyền này rất nguy hiểm, có thể là những bệnh liên quan đến trí tuệ con người, huyết học, ung thư... Hôn nhân cận huyết là điều kiêng kỵ, phải loại bỏ, bởi để lại nhiều hệ lụy ở thế hệ trẻ em sinh ra từ cặp vợ chồng cận huyết", PGS Cường khuyến cáo.
Điều nguy hiểm hơn, về mặt hình thái, những em bé này có thể hoàn toàn bình thường, nhưng các bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý di truyền có thể tiềm ẩn, hoặc biểu hiện ở thế hệ sau của các em bé này.
Vì thế, ngay lúc đầu, người ta không nhìn ra được sự nguy hại của hôn nhân, loạn luân sinh ra các em bé cận huyết.
PGS Cường lấy dẫn chứng điển hình căn bệnh Thalassemia rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tần suất xuất hiện cao bởi hôn nhân cận huyết phổ biến. Dù không ở thế hệ gần như vụ Tịnh thất Bồng Lai, nhưng hôn nhân cận huyết trong họ hàng đã làm tăng nguy cơ này.
Nói về bệnh lý di truyền này, TS.TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương thói quen hôn nhân cận huyết hoặc chỉ lấy người trong cộng đồng của mình khiến tỷ lệ sinh ra các cháu bé mắc bệnh Thalassemia cao. Nếu hai người mang gen gặp nhau khả năng sinh ra trẻ bị bệnh là 25%.
Bệnh Thalassemia là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động...
Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20- 40%.
Đây là bệnh lý khiến trẻ phải điều trị suốt đời, ảnh hưởng rất nhiều đến thể hình, trí tuệ, sức khỏe của trẻ.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người trong phạm vi ba đời được xác định như sau: đời thứ nhất là cha mẹ; đời thứ hai là anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba là anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì.
Hôn nhân cận huyết bị cấm vì những trẻ em được sinh ra từ mối quan hệ cận huyết thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, bệnh tật di truyền mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời...
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)