Mới đây, công an tỉnh Long An vừa ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can với Lê Tùng Vân về các tội danh: Lừa đảo, Lợi dụng quyền tự do dân chủ và tội Loạn luân.
Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến tội loạn luân của ông Lê Tùng Vân, bởi trước đó, người đứng đầu Tịnh thất Bồng lai còn tự tin khẳng định "cả một đời tu, không vợ không con", thậm chí tặng 1 tỷ cho cô gái nào đứng ra nhận làm vợ...
Một nguồn tin cho biết: "Kết quả giám định ADN xác định ông Vân có hành vi loạn luân. Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Vân". Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ, xử lý bị can Vân và những người liên quan.
Về các tình huống pháp lý trong vụ án trên, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối với những người vi phạm là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật, bởi sự việc đã gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Trong vụ án "Tịnh thất Bồng lai", nếu cơ quan điều tra xác định Lê Tùng Vân phạm tội Loạn luân thì ông này sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 184, Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, còn có các tình tiết tang nặng như sau:
- Trường hợp người bố hoặc ông mà ép buộc con, cháu từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 quan hệ tình dục thì không xử lý về tội loạn luân theo điều 184 BLHS mà xử lý về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo điểm a, khoản 2, Điều 144 BLHS với hình phạt 7-15 năm tù.
- Trường hợp quan hệ tình dục giữa những người có trực hệ ba đời mà tự nguyện nhưng nạn nhân từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ bị xử lý theo điểm C, khoản 2, điều 145 BLHS với chế tài từ 3 năm đến 10 năm tù.
- Còn trường hợp dùng vũ lực để tấn công ép buộc người cùng dòng máu về trực hệ quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi thì sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm với tình tiết định khung là có tính chất loạn luân và mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc với chế tài từ 7-15 năm tù.
Ngoài tội loạn luân, Lê Thanh Tùng còn bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Theo luật sư Cường, hành vi mạo danh cơ sở tôn giáo tín ngưỡng để đưa ra thông tin gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Riêng đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà số tiền nhận từ thiện từ 500 triệu đồng đồng trở lên thì hình phạt thấp nhất là 12 năm, cao nhất là tù chung thân. Với người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, không thành khẩn ăn năn thì sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc.
Với trường hợp giúp sức, xúi giục, vai trò thứ yếu thì sẽ có mức án thấp hơn. Hoạt động tội phạm không chỉ diễn ra do một người thực hiện mà có thể còn cả một nhóm người, thậm chí phạm tội có tổ chức nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ vai trò của những người cùng sinh sống ở đây để giải quyết theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra nếu bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, thuộc trường hợp là "Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên" thì cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi công dân. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, điều 5 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 thì nghiêm cấm hành vi: "Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi".
Người lợi dụng tôn giáo để trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi số tiền dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về sự phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, với mức xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Trường hợp gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể. Trường hợp lợi dụng tôn giáo để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.
Trường hợp hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Diều 331 bộ luật hình sự năm 2015. Với tội danh này, người phạm tội có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến 7 năm tù.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, trường hợp khi bị kết án về nhiều tội danh thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân.
Nếu hình phạt cao nhất chỉ là tù có thời hạn thì tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.
Ngoài hình phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn thì những người phạm các tội danh này còn phải bồi thường thiệt hại, phải trả lại tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân trong hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện đã diễn ra trước đó.
PN (Nguoiduatin.vn)