Thói quen ngoáy mũi
Niêm mạc vách mũi rất mỏng, là nơi tập trung nhiều mạch máu nhỏ và nông để sưởi ẩm luồng không khí hít vào, ngay phần trước vách mũi có 1 điểm mạch máu rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần tổn thương nhẹ, hắt hơi mạnh là mũi của bạn có thể bị rỉ máu. Trong khi, rất nhiều người có thói quen dùng tay ngoái mũi, day mũi mỗi khi có cảm giác khó chịu, nhất là ở những người có bệnh viêm mũi dị ứng. Đây là thói quen cực kỳ tai hại vì rất dễ khiến mũi của bạn bị tổn thương sâu hơn.
Nhổ lông mũi
Lông mũi có tác dụng giữ lại các hạt bụi trong khí hít vào, do đó nó có tác dụng bảo vệ đường hô hấp.
Vì thẩm mỹ, một số người có sở thích nhổ lông mũi. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nếu lông mũi dài quá, thò ra ngoài gây mất thẩm mĩ thì nên cắt phần ngọn lông chứ không nên nhổ cả gốc, rất dễ gây tổn thương niêm mạc mũi và gây viêm mũi.
Xịt mũi, nhỏ mũi thường xuyên
Niêm mạc mũi được phủ bởi lớp nhầy, có tác dụng bảo vệ mũi, giữ ẩm và giữ bụi. Việc thường xuyên xịt rửa mũi mỗi ngày bằng dạng phun xương vào mũi sai kỹ thuật rất dễ tổn thương vách mũi, tổn thương lớp chất nhầy bảo vệ mũi.
Bên cạnh đó, nếu rửa mũi bằng nước muối ở nhiệt độ thường trong thời tiết lạnh có thể gây co mạch máu, gây giảm miễn dịch tại chỗ. Do đó, chỉ thực hiện vệ sinh mũi khi bị viêm đường hô hấp, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi
Để dứt nhanh tình trạng tắc mũi, nghẹt mũi, nhiều người tự mua thuốc xịt chống nghẹt mũi về dùng. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo những sản phẩm này cần dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, bởi nếu dùng thời gian dài dễ dẫn đến phụ thuộc thuốc và phản ứng dội (nghĩa là chứng nghẹt mũi tái lại và tệ hơn ban đầu sau khi ngưng thuốc). Chưa kể đến thuốc chống nghẹt mũi dạng uống lại có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp.
Lạm dụng khí dung
Khí dung thường được chỉ định cho trẻ trong các trường hợp bị khò khè, co thắt phế quản trong bệnh suyễn, hoặc chống viêm trong bệnh viêm thanh khí phế quản cấp trẻ.
Tuy nhiên nhiều cha mẹ cho rằng, khi khí dung chỉ bằng nước muối sinh lý thì sẽ làm loãng nhầy mũi, giúp thông mũi... Cho nên hễ trẻ bị cảm ho, sổ mũi là lại cho dùng khí dung. Điều này là hoàn toàn không cần thiết và lợi ích chưa được chứng minh.
Việc khí dung nước muối kèm theo các thuốc như kháng sinh, kháng viêm (hydrocortison) hay thuốc giãn phế quản(ventolint) khi trẻ ho, sổ mũi nếu không theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc, sự đề kháng kháng sinh…
Theo M.H (Giadinh.net.vn)