Dậy sớm đi bộ nửa năm, cơ thể nhận ngay 7 biến chuyển lớn: Như thay da đổi thịt, trẻ khỏe hơn cả chục tuổi

05/09/2021 07:04:25

Cơ thể sẽ thay đổi như thế nào ở người dậy sớm đi bộ trong nửa năm? Đây là những lợi ích thiết thực giúp cơ thể như “thay da đổi thịt”, trẻ khỏe và sống thọ hơn rất nhiều.

Người xưa thường nói, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Các bác sĩ hiện nay cũng khẳng định rằng, y học hiện đại hay trang thiết bị tiên tiến chỉ có thể giải quyết căn bệnh hiện tại của bạn. Chúng không thể bảo vệ cho bạn sẽ không còn mắc bệnh trong tương lai.

Sức khỏe phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người. Một lối sống lành mạnh mới là liều thuốc tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tật. Bác sĩ tốt nhất là chính bạn và bài tập tốt nhất là vận động.

Những người thường xuyên dậy sớm đi bộ, tập thể dục sẽ nhận được những ích lợi quan trọng.

1. Đi bộ là cách thức rèn luyện toàn thân

Đi bộ được biết đến là một trong những phương pháp tập luyện tốt nhất trong thế kỷ 21. Cách thức vận động này không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, tốc độ nhanh hay chậm đều đạt được những hiệu quả thể dục khác nhau.

Theo The New York Times, đi bộ nhanh giúp cải thiện sức khỏe não bộ và tư duy ở những người già bị suy giảm trí nhớ. Trong nghiên cứu, những người trung niên và lớn tuổi có dấu hiệu mất trí nhớ sớm đã tăng khả năng nhận thức sau khi bắt đầu dậy sớm đi bộ thường xuyên.

Đi bộ 20 phút mỗi ngày cũng có khả năng giúp ngăn ngừa tử vong sớm do ung thư, bệnh tim và đột quỵ mỗi năm. Đây là những thay đổi toàn diện được cải thiện dần dần khi hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh hơn.

Dậy sớm đi bộ nửa năm, cơ thể nhận ngay 7 biến chuyển lớn: Như thay da đổi thịt, trẻ khỏe hơn cả chục tuổi

Nghiên cứu được công bố trên British Medical Journal cho thấy, đi bộ còn giúp chúng ta trẻ khỏe, sống lâu hơn. Ở những người từ 40 tuổi, những người đi bộ ít hơn 1 giờ mỗi ngày sẽ có tuổi thọ ngắn hơn so với người đi bộ 1 giờ mỗi ngày.

2. Đổ mồ hôi mỗi ngày giúp da đẹp hơn

Dậy sớm đi bộ là một thói quen không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn rất tốt cho nhan sắc bề ngoài. Đây là kết quả của một quy trình lành mạnh.

Để hôm sau dậy sớm, bạn sẽ phải đi ngủ sớm hơn từ tối hôm trước. Trong quá trình tập luyện, bạn không ngừng đổ mồ hôi giúp lỗ chân lông trên da nở ra. Qua đó, các chất bụi bẩn, dầu thừa cũng dễ dàng được đẩy ra ngoài, tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông gây mụn. Da mặt trở nên mềm mại, mịn màng hơn.

Đồng thời, sau khi tập luyện, bạn sẽ bổ sung một lượng lớn nước, bù bắp cho lượng mồ hôi tiết ra. Quá trình này giúp tăng cường trao đổi chất, đào thải độc tố trong cơ thể.

3. Giúp dạ dày khỏe mạnh, tiêu hóa tốt hơn

Người bị bệnh dạ dày thường hạn chế vận động mạnh, chơi các môn thể thao tốn nhiều sức như bóng đá, cử tạ, tập thể hình nặng... Phương pháp đi bộ nhẹ nhàng, yêu cầu sức bền và sự dẻo dai rất phù hợp với họ.

Theo các chuyên gia y khoa, mỗi ngày dành ra khoảng 30 phút - 1 giờ để đi bộ sẽ giúp cơ thể cải thiện chức năng hệ tiêu hóa. Quá trình tiêu hóa thức ăn được thúc đẩy, làm giảm đầy hơi, ợ hơi, điều hòa hoạt động của dạ dày.

4. Dậy sớm đi bộ kết hợp tập thở: Giúp tim phổi khỏe mạnh hơn

Dậy sớm đi bộ ngắn mỗi ngày giúp bệnh nhân mắc bệnh phổi cải thiện hệ hô hấp của mình.

Khi đi bộ vào sáng sớm, hít thở không khí trong lành cũng rất tốt cho phổi. Thường xuyên duy trì thói quen này giúp tăng dung tích phổi và giảm cảm giác thèm hút thuốc của người hút thuốc.

Khi bạn hoạt động thể chất, tim và phổi của bạn làm việc nhiều hơn để cung cấp lượng oxy bổ sung mà cơ thể bạn cần. Giống như cách xây dựng nền tảng cơ bắp, vận động thường xuyên cũng giúp cơ tim và phổi hoạt động hiệu quả hơn.

5. Đi bộ cải thiện khả năng dung nạp đường tăng gấp nhiều lần

Theo một nghiên cứu của ĐH Duke chỉ ra rằng, những người bị bệnh tiểu đường nên thường xuyên đi bộ.

Dậy sớm đi bộ nửa năm, cơ thể nhận ngay 7 biến chuyển lớn: Như thay da đổi thịt, trẻ khỏe hơn cả chục tuổi - 1
Lợi ích từ việc dậy sớm đi bộ có tác động lớn tới người bị tiểu đường. Ảnh: Pinterest

Khi tập luyện ở mức vừa phải như đi bộ tầm 4,5km, cơ thể sử dụng axit béo tích trữ để làm “nhiên liệu” nhiều hơn. Các axit béo tích trữ giảm khiến cơ thể xử lý insulin dễ dàng hơn, giúp các tế bào hấp thu đường từ trong máu.

Do đó, khả năng dung nạp đường ở nhóm người đi bộ khoảng 22 km/tuần trong 6 tháng tốt hơn gấp 6 lần so với nhóm những người chạy bộ trong quãng đường tương tự, thời gian tương tự.

6. Dậy sớm đi bộ giúp xương khớp chắc khỏe hơn

Trong quá trình đi bộ, dù tốc độ nhanh hay chậm, hệ thống xương khớp của cơ thể cũng trở nên khỏe mạnh hơn. Các cơ gắn với các xương liên tục co bóp, dây chằng tham gia vận động, giúp củng cố hệ khung xương của cả cơ thể.

Dậy sớm cũng là thời điểm tốt để hấp thụ vitamin D ngoài trời, kết hợp với Canxi để xương chắc khỏe hơn.

Khác với chạy bộ hay các môn thể thao mạnh khác, đi bộ là phương pháp vận động rất an toàn, ít tạo gánh nặng lên khớp và tim hơn.

7. Giảm cân một cách lành mạnh

Mỗi một giờ đi bộ, cơ thể chúng ta đốt cháy được 200 – 300 kcal. Thông qua quá trình vận động liên tục, quá trình trao đổi chất được đẩy nhanh, giải phóng năng lượng dư thừa, giúp chúng ta giảm mỡ nhiều hơn.

 

Theo Phương Thuý (Trí thức trẻ)

Nổi bật