Có thể thấy, bí quyết sống thọ của người Nhật Bản hóa ra không đến từ những điều quá cao siêu, nó bắt nguồn từ chính những thói quen sống nhỏ nhất. Đó là ăn chậm nhai kỹ để thức ăn được nghiền nát, giúp cho thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn, đồng thời dạ dày cũng bớt "vất vả" hơn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trước hết khi nhai, các tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động, cơ thể được thông báo sẽ được cung cấp thức ăn và tạo thêm thời gian chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa, nếu ăn quá nhanh thậm chí không kịp thưởng thức mùi vị của thức ăn thì thức ăn chưa được nghiền nát hoặc chưa thực sự nhỏ, khi xuống dạ dày mất nhiều thời gian hơn mới tiêu hóa được thức ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
Nếu ăn nhanh trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng đau dạ dày và làm dây thần kinh vị giác vẫn ở trạng thái hưng phấn, kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến vị giác. Mặt khác, khi ăn nhanh, nuốt vội vàng khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, không hấp thu dinh dưỡng cần thiết và tăng cảm giác cồng kềnh hoặc chướng bụng sau khi ăn.
Do đó, các chuyên gia khuyên chúng ta nên ăn chậm nhai kỹ để thức ăn sẽ được nghiền nhỏ hơn, giúp cho thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn, đồng thời dạ dày cũng bớt "vất vả". Ngoài gây đau dạ dày, ăn cơm quá nhanh cũng được các chuyên gia cảnh báo rằng gây ra vô số những tác hại dưới đây.
1. Béo phì
Ăn nhanh có liên quan đến việc tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì. Ăn nhanh có thể làm rối loạn các hormone đường ruột giúp điều chỉnh sự thèm ăn và khiến bạn ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế của cơ thể. Đáng nói việc ăn nhanh cũng sẽ khiến bạn đói nhanh hơn.
Một nghiên cứu nhỏ từ Nhật Bản cho thấy, ăn nhanh thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Điều đó khiến cho những người ăn nhanh cảm thấy nhanh đói và có nhu cầu ăn vặt.
2. Bệnh tiểu đường
Bản thân việc ăn nhanh không gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Nhưng việc nạp thức ăn quá nhiều trong một lúc có thể gây ra tình trạng kháng insulin và lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.
Hơn nữa, thói quen ăn nhanh có liên quan đến béo phì - và béo phì là nguyên nhân chính gây ra kháng insulin.
3. Hội chứng chuyển hóa
Kháng insulin có liên quan mật thiết đến hội chứng chuyển hóa - một nhóm các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Một nghiên cứu được thực hiện trên 9000 người có độ tuổi từ 40 trở lên, cho thấy sau 3 năm có thói quen ăn nhanh, nhóm người này có xu hướng dễ bị bệnh liên quan đến hội chứng chuyển hóa so với những người ăn chậm.
Một số lời khuyên giúp bạn tập thói quen ăn chậm hơn
Không để đói quá
Thật khó để ăn chậm khi cơ thể đang cảm thấy rất đói. Để ngăn chặn cơn đói cực độ, hãy chuẩn bị sẵn một số đồ ăn nhẹ lành mạnh.
Nhai kỹ
Thử đếm xem bạn thường nhai một miếng thức ăn bao nhiêu lần, sau đó nhân đôi số lần đó. Nhiều người có thể sẽ ngạc nhiên vì họ thường nhai ít như thế nào.
Sử dụng đồng hồ đếm thời gian
Đặt hẹn giờ khi bắt đầu ăn trong 20 phút và cố gắng hết sức để không kết thúc bữa ăn trước còi báo hiệu. Cố gắng đạt được tốc độ ăn chậm và nhất quán trong suốt bữa ăn.
Không dùng thiết bị điện tử khi ăn
Cố gắng tránh các thiết bị điện tử, chẳng hạn như tivi và điện thoại thông minh, trong khi ăn. Nếu bạn bắt đầu ăn quá nhanh, hãy hít thở sâu. Điều này sẽ giúp bạn tập trung lại và đi đúng hướng.
PN (Nguoiduatin.vn)