Nhiều ngày qua, câu chuyện của một bé trai tuổi 16 chọn cách quyên sinh trước mặt cha đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Câu chuyện là một bài học đầy nước mắt cho những bậc làm cha, làm mẹ và cả những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh sức khỏe vật lý, tinh thần của trẻ em cũng là một điều quan trọng và cần được quan tâm. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP đã chia sẻ câu chuyện của chuyên gia tâm lý Toàn Thiện, khi anh đã từng nhận tư vấn, hỗ trợ cho nhiều trẻ gặp áp lực tinh thần.
“Mời Tâm lý xuống khoa Hồi sức, có trường hợp tự sát…”
Tôi thường rất sợ khi nghe câu này. Tiếp xúc với khá nhiều trẻ được cứu sống sau khi tự sát, mà nhiều trường hợp không phải là lần đầu tìm cách chết, tôi nhận ra nơi các em một sự cô đơn, buồn bã kinh khủng.Theo tư duy tuyến tính, người ta thường trách cha mẹ không tốt khiến con cái tiêu cực. Nhưng, một người cha lớn lên trong đòn roi thì làm sao biết cách dạy con bằng kỷ luật không nước mắt. Một người mẹ lớn lên trong hệ thống gia đình ngập tràn lo âu thì việc kiểm soát khắt khe sẽ là một cách để bà "biểu lộ tình thương"…
Trong tâm lý học, người ta có khái niệm về các gia đình rối loạn chức năng "Dysfunctional family" để chỉ về những gia đình mà bỏ rơi, ngược đãi, lạm dụng,… đã trở thành "truyền thống qua các thế hệ".Quá khứ không bao giờ có thể thay đổi, việc quy trách nhiệm tại ông hay tại cha, lỗi ở mẹ hay ở con chắc không làm mọi người hạnh phúc hơn. Những lời khuyên kiểu như "anh nên nhẹ nhàng với cháu, chị cần tôn trọng con nhiều hơn" chắc có đem lại hiệu quả bền lâu?
"Đằng sau những đứa trẻ không hạnh phúc là những phụ huynh chưa từng hạnh phúc…", chuyên gia viết.
Câu chuyện trên đã khiến bao người suy ngẫm. Trong khi những đứa trẻ đang học làm người lớn, những người lớn vẫn đang học làm ông bố, bà mẹ.
Đối xử với con ra sao, yêu thương nó thế nào cho đúng cách... Đó chắc hẳn là một câu chuyện dài dành cho những bậc phụ huynh, để ngồi lại và cùng suy ngẫm.
Theo Khải Anh (SaoStar.vn)