Chỉ trong một ngày, liên tiếp 2 vụ trẻ vị thành niên tự tử đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Theo đó, rạng sáng ngày 1/4, một nam sinh 16 tuổi tại Hà Nội đã để lại thư tuyệt mệnh rồi trèo ra ban công từ tầng 28 nhảy xuống đất và tử vong.
Cùng ngày hôm đó, tại Bắc Ninh, một nữ sinh lớp 8 được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ cùng lá thư và nhật ký nói rằng "mình sắp đi xa".
2 sự việc đau lòng này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên vì tự tử ở lứa tuổi này là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại khi ngày càng có xu hướng gia tăng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 ở các trẻ từ 15- 19 tuổi trên thế giới. Theo Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới.
TS.BS Ngô Anh Vinh – Phó Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho Sức khỏe & Đời sống biết, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi tự tử ở lứa tuổi này. Theo đó, đây là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết.
Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử do bản thân, gia đình cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại trong học tập, thi cử.
Dấu hiệu cảnh báo con đang muốn tự tử
Chia sẻ trên Dân trí, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu phụ huynh quan tâm đến con cái của mình có thể nhận ra sớm các dấu hiệu như con thỉnh thoảng nói rằng: - "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu", hay "Chả có gì quan trọng cả!", "Mọi việc đều vô ích thôi!", hoặc "Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói"...
Mặt khác, phụ huynh cũng có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con như: sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự và nói sẽ cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý; tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hay làm cách hành động như để trả ơn bố mẹ...
Trước đó là những dấu hiệu trầm cảm như: thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ; trốn tránh bạn bè, gia đình, và bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà; cẩu thả trong cách ăn mặc; thay đổi cá tính một cách bất ngờ; thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học; hay phàn nàn về những đau đớn thể xác, thường liên hệ đến sự xúc động, như đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi; mất hứng thú về những thú vui cá nhân.
Ngoài ra cũng có nhưng dấu hiệu "cấp báo" như: nói đùa sẽ chết; viết truyện viết thơ về cái chết; có những hành vi tự hủy hoại (như cắt tay, dùng tàn thuốc dí vào tay) hay hành vi liều lĩnh (đua xe, bỏ phanh); nói tạm biệt với gia đình; tìm kiếm những vũ khí hoặc phương tiện độc hại có thể sử dụng để tự tử.
Trên Pháp luật & Bạn đọc, theo TS Vũ Việt Anh, trước đây, vấn đề tự tử được xem như một vấn đề xã hội, ít được mọi người chú ý, nhưng mức độ nghiêm trọng của nó đã cướp đi sinh mạng của con người. Tuy nhiên, tự tử là vấn đề hoàn toàn có thể ngăn ngừa và ngăn chặn được. Việc ngăn ngừa tự tử cần bắt đầu từ khâu phát hiện sớm những dấu hiệu của người có ý định tự tử để kịp thời tư vấn, ngăn chặn và cứu giúp.
"- Một là chúng ta cần phải quan sát hành vi, thói quen sinh hoạt hàng ngày có hành động gì bất thường không. Ví dụ như các bạn thay đổi thói quen đột ngột, ngại ngần trong giao tiếp hay có những biểu hiện bất ổn về mặt tâm lý, hay buồn bực vô cớ.
- Cha mẹ cũng cần lưu ý thêm về những góc riêng tư của các con, điển hình như trên MXH, khi thấy con có những tin nhắn trao đổi với bạn bè mà hay nhắc đến những chuyện tiêu cực hay không vui thì nên xem xét và quan tâm con nhiều hơn. Đó là những mức độ cảnh báo hết sức nguy hiểm mà các bậc phụ huynh cần phải lưu tâm".
Cùng nói về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng khi tâm lý của con bất ổn, không kiểm soát được thường hay có những biểu hiện rõ rệt ở bên ngoài:
"- Các bạn sẽ có những biểu hiện đột ngột vui buồn bất ngờ, khó kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình. Bên cạnh đó, có những bạn còn mất ngủ triền miên, ốm liên tục.
Phải làm gì khi biết con có ý định tự tử?
Hiện nay vấn đề tư vấn tâm lý học đường đã là bắt buộc và là việc cần thiết trong môi trường giáo dục hiện nay. Nhưng nhà trường cũng không thể đảm trách được 100% về tâm lý của học sinh, do vậy đối với các bậc phụ huynh, cha mẹ cần có sự chủ động trong việc kiểm tra, giám sát về tâm lý của con.
Theo TS Vũ Việt Anh, cần dành nhiều thời gian cho con, chia sẻ và tâm sự với con nhiều hơn: "Đối với tôi, ngoài việc làm bạn cùng con chúng ta cần phải làm bạn với bạn của con, bởi có những điều chưa chắc mà con đã tâm sự với bố mẹ vì khác biệt về khoảng cách thế hệ cũng như quan điểm, thái độ sống. Nên nhiều khi nếu các bậc cha mẹ làm bạn với con mình, luôn gần gũi, thấu hiểu thì chắc chắn các con sẽ dễ mở lòng với mình nhiều mình. Từ đó mà chúng ta sẽ tìm được một góc nhìn mới để hiểu hơn về con của mình.
Thứ hai, các bậc phụ huynh cần xác định một điều, nhà trường chủ yếu trang bị cho các con về kiến thức, còn yếu tố về kĩ năng sống và thái độ sống thì phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và môi trường. Đặc biệt yếu tố gia đình là cực kì quan trọng, người xưa từng dạy rồi: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” rau nào sâu nấy để nhắc nhở chúng ta rằng bố mẹ chính là người thầy đầu tiên trong đời của mỗi bạn trẻ. Và các bậc cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm 100% về tương lai con của mình, không nên quá ỷ lại hay trông chờ vào phía nhà trường".
Và cuối cùng là cần có sự liên lạc, kết nối với thầy cô chủ nhiệm để chúng ta có thể theo dõi và nắm bắt được tâm lý của con em mình. Bình thường chúng ta hay được nghe những câu cửa miệng của các bạn trẻ có hành vi phạm tội là "Cháu ở nhà ngoan lắm" nhưng thực chất ra ngoài các cháu mới bộc lộ ra bản chất nghịch ngợm, phá phách của mình. Đó là do các bậc phụ huynh chưa có được góc nhìn đầy đủ về con em mình mà chỉ nhìn về một phía. Do vậy, mỗi gia đình cần nhìn vào góc nhìn của thầy cô, góc nhìn của bạn bè, xã hội bằng cách chúng ta liên kết, kết nối các sợi dây với những nhóm đối tượng đó để thấu hiểu hơn với con của mình".
Còn theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương thì phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong gia đình bởi sẽ giúp hai bên tôn trọng nhau và giảm đi áp lực tối thiểu trong mối quan hệ giữa các thành viên.
"Bộ quy tắc này khi được sử dụng thành thạo thì mọi người sẽ nhận thức được hành động nào nên làm và không nên làm. Ví dụ như bố mẹ không được phép xâm hại quyền riêng tư của con bằng cách đọc trộm nhật ký hay lén đọc tin nhắn trên điện thoại của con, ngược lại con cũng được chơi với bạn này nhưng không được phép làm hành động gì quá trớn. Lúc đó đứa trẻ sẽ nhận ra tình yêu thương của cha mẹ là nhiều như thế nào.
Trong trường hợp con trầm cảm và không kết nối được thì cha mẹ cần phải có hành động liên kết với người mà con tin tưởng đề nhờ họ hỗ trợ tâm lý cho con. Mạnh mẽ hơn và hiệu quả nhất chính là dừng hết các công việc và hoạt động của đứa trẻ lại để đưa con đi nghỉ mát, du lịch. Việc nghỉ ngơi hoàn toàn sẽ có tác dụng giảm sốc rất nhanh. Thay đổi môi trường sống, giải tỏa ức chế là cách nhanh nhất để con được thả lỏng và không còn ý định tiêu cực nữa. Từ đó, cha mẹ hãy ngồi xuống và tâm sự cùng con, lúc đó con sẽ nói ra những điều thầm kín. Biện pháp đó sẽ có giá trị hơn là khuyên nhủ thông thường".
PN (Nguoiduatin.vn)