Cứ 30 giây có 1 người phải cắt chân: Vì sao chân người tiểu đường dễ là mồi cho vi khuẩn?

15/11/2021 19:47:47

Bác sĩ Tài cho biết khác với các bệnh lý khác, việc chăm sóc vết thương ở người bệnh đái tháo đường là một chăm sóc y tế cần phải thực hiện đúng theo hướng dẫn.

Nguy cơ đoạn chi vì vết thương nhỏ

Theo thống kê, khoảng 2% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng viêm loét bàn chân, đây là nơi dễ bị vi khuẩn tấn công. 15% bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị loét tại một thời điểm nào đó trong toàn bộ cuộc đời của họ, trong khi bệnh đái tháo đường là một bệnh phổ biến trong cộng đồng. Theo ước tính của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF thì năm 2040, Việt Nam sẽ có 6,1 triệu người mắc bệnh này.

Với các con số 2% và 15% trên kia, số người bị biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường không phải nhỏ. Nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh. Trên phạm vi toàn thế giới cứ 30 giây lại có một bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt chi.

Bác sĩ Trương Văn Tài – Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, TP. HCM tổn thương thần kinh ngoại biên là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, ảnh hưởng đến thần kinh cảm giác, vận động và tự chủ.

Khi thần kinh cảm giác bị ảnh hưởng thì bàn chân sẽ không còn nhạy cảm với các kích thích đau thông thường, vì vậy các vết loét thường khởi đầu từ những vết trầy, xước nhỏ.

Tổn thương thần kinh vận động gây yếu cơ, teo cơ hoặc liệt nhẹ, gây ra sự biến dạng bàn chân, làm xuất hiện những điểm tăng áp lực, từ đó tạo nên các vết chai, dễ bị tổn thương, rách, dẫn đến viêm tổ chức, lâu dần thành loét bàn chân và có thể cắt cả chân.

Theo BS Tài, lượng đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì thế, khi xuất hiện vết thương, vi khuẩn từ bên ngoài có thể dễ dàng xâm nhập và sinh sôi gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của người bệnh cũng kém nên việc tự chữa lành vết thương sẽ lại càng khó khăn hơn bình thường.

Và khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hoặc điều trị trễ, chăm sóc không đúng cách thì khả năng giữ lại các chi rất thấp.

Đây cũng là lý do tại sao các bác sĩ luôn yêu cầu người bệnh cần khám bàn chân mỗi ngày, kể cả vết thương hay vết chai dù nhỏ cũng phải biết cách xử lý.

Bác sĩ Tài cho biết khác với các bệnh lý khác, việc chăm sóc vết thương ở người bệnh đái tháo đường là một chăm sóc y tế cần phải thực hiện đúng theo hướng dẫn.

Ví dụ, với các vết thương nông ( độ 0, độ 1), chưa nhiễm trùng, bệnh nhân đái tháo đường có thể tự chăm sóc và theo dõi tại nhà. Với vết thương sâu (độ 2 trở lên) hoặc nhiễm trùng, bắt buộc phải có sự hỗ trợ từ bác sĩ.

Việc điều trị cũng như chăm sóc vết loét bệnh nhân đái tháo đường rất khó và tốn nhiều công.

Nghiêm trọng hơn khi hoại tử lan rộng, bác sĩ phải chỉ định cắt cụt chi nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng huyết có thể đe dọa đến tình mạng bệnh nhân.

Cứ 30 giây có 1 người phải cắt chân: Vì sao chân người tiểu đường dễ là mồi cho vi khuẩn?

Những vị trí dễ loét

BS Tài cho biết người bị đái tháo đường phải chú ý thường xuyên kiểm tra bàn chân của mình. Đầu tiên là có sự biến đổi ngoài da: da khô, bong da hoặc nứt nẻ, nguyên nhân là do đường huyết cao khiến dây thần kinh chỉ huy các hoạt động làm ẩm da đã bị tổn thương.

Vết chai ở chân: Chai chân hình thành nhiều do tăng áp lực ở gan bàn chân các bệnh nhân đái tháo đường. Do các chai chân này cũng có thể gặp nhiều ở người bình thường nên các bệnh nhân thường chủ quan và không quan tâm, khiến các chai chân này có điều kiện phát triển nhiều hơn, dễ bị nứt, loét rồi trở thành ổ nhiễm trùng.

Biến dạng bàn chân: Do biến chứng thần kinh nên bàn chân bị mất cảm giác, khi đó mỗi khi đứng thì người bệnh sẽ không thể điều chỉnh tư thế bàn chân, các vị trí chịu áp lực nhiều sẽ có những biến đổi của cơ và da kéo theo những thay đổi của các khớp. Hậu quả là bàn chân bị biến dạng, được gọi là bàn chân Charcot, đồng thời các chỗ phải chịu áp lực cao rất dễ bị loét.

Loét chân: Hay xảy ra ở mu bàn chân và ngón cái, nguyên nhân thường do cọ xát khi đi giày, dép chật. Các vết loét thường bắt đầu chỉ là những vết xước hoặc phồng da rất nhỏ, và do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách nên bị nhiễm trùng, và ngày càng lan rộng ra toàn bộ bàn chân.

Đến lúc này thì mọi biện pháp điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc cắt lọc thường không có kết quả. Vì vậy, các bệnh nhân đái tháo đường cần báo ngay cho bác sĩ điều trị khi phát hiện bất cứ tổn thương hoặc bất thường nào ở chân.

Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)