4 loại hoa quả người bị bệnh dạ dày nên hạn chế
Trái cây có tính axit cao
Trái cây có tính axit có thể kích thích dạ dày tiết axit dịch vị, giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Người mắc bệnh dạ dày ăn ít thì không sao. Nhưng một số loại trái cây như: sơn trà, chanh, cam, kiwi… ăn nhiều sẽ không tốt.
Vì những loại trái cây kể trên có thể kích thích niêm mạc dạ dày và làm axit dịch vị tiết ra nhiều hơn, dễ dẫn đến đầy hơi, đau dạ dày, trào ngược axit, ợ chua. Nếu chức năng dạ dày của bạn vốn đã suy giảm, bạn nên tránh xa những loại trái cây giàu axit này.
Trái cây có tính hàn
Dưa hấu, lê, chuối... và các loại trái cây có tính hàn nếu ăn trong một thời gian dài hoặc ăn quá nhiều sẽ làm tổn thương dương khí của tỳ vị, tăng sức ép cho dạ dày.
Đặc biệt là người bị bệnh dạ dày, ăn quá nhiều trái cây có tính hàn có thể gây ra các triệu chứng như chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy… Vì vậy, những người có chức năng tiêu hóa kém nên ăn ít hoặc không ăn các loại trái cây có tính hàn.
Các loại quả khó tiêu hóa
Táo tàu rất giàu carotene, vitamin và các nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, sắt... Tất cả đều là những chất cần thiết cho cơ thể con người. Tuy nhiên, vỏ táo tàu rất khó tiêu.
Nếu ăn nhiều các loại quả khó tiêu như táo tàu có thể gây hại cho lá lách và dạ dày, làm tăng sức ép cho dạ dày và ruột.
Quả hồng
Với quả hồng, những người bị dạ dày thỉnh thoảng ăn một ít thì không sao, nhưng không nên ăn nhiều. Vì trong quả hồng có chứa nhiều tanin, pectin và axit tannic. Đây là những chất dễ phản ứng với protein, muối canxi và axit dịch vị trong thức ăn, dẫn đến kết tụ lại thành cục và hình thành sỏi dạ dày.
Ăn quá nhiều quả hồng dễ gây đầy bụng, đau dạ dày, buồn nôn và khó tiêu.
Vì vậy, để tránh khiến bệnh dạ dày cũ thêm trầm trọng, những người có đường tiêu hóa kém nên ăn ít 4 loại trái cây trên hoặc cố gắng không ăn càng tốt.
3 loại thức ăn người bị bệnh dạ dày nên ăn nhiều
Cháo hạt kê
Hạt kê có tác dụng chống tức bụng, nôn mửa. Kê có vị mặn ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải nhiệt dạ dày, khử ẩm bao tử, giúp ngủ ngon.
Bí đỏ
Bí đỏ có chứa vitamin và pectin. Pectin có trong bí đỏ có thể bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, tránh sự kích thích của thức ăn thô, thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét.
Sữa chua
Sữa chua có thể trung hòa axit dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Tuân thủ 4 nguyên tắc để tránh bệnh dạ dày tái phát
1. Thức ăn phải dễ tiêu, đủ calo, giàu chất đạm và vitamin. Điều này có thể giúp sửa chữa các mô bị tổn thương và thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét.
2. Tránh các loại thực phẩm có thể gây ra kích thích hóa học và vật lý, chẳng hạn như: nước dùng đậm đặc, trà đậm, cà phê espresso, rượu mạnh, ngũ cốc nguyên hạt, tỏi tây, cần tây, giá đỗ; các loại thức ăn quá ngọt, quá mặn, quá chua và thực phẩm cay.
3. Chất béo có thể ức chế tiết dịch vị. Trong giai đoạn đầu của bệnh loét cấp tính có thể dùng sữa bò để làm dịu.
4. Các phương pháp chế biến thức ăn cho người bị bệnh dạ dày nên ưu tiên là hấp, luộc, hầm, om. Nhớ rằng thực phẩm chiên, xào, trộn không dễ tiêu hóa... Các loại thức ăn này nằm trong dạ dày lâu ngày có thể làm tăng gánh nặng cho dạ dày và ruột.