Thừa cân hoặc thói quen ăn uống không lành mạnh không phải là những điều duy nhất có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng một số thói quen hàng ngày có thể dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh.
Cắt giảm cà phê
Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ cà phê (cả cà phê có chứa caffein và không chứa caffein) có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Một phân tích nghiên cứu của Harvard cho thấy những người nhấm nháp 6 tách mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 33% so với những người không uống cà phê. Một số thành phần trong cà phê có tác dụng làm giảm sự đề kháng insulin và thúc đẩy quá trình chuyển hóa glucose, quá trình chuyển hóa glucose thành năng lượng.
Thường xuyên thức khuya
Theo báo cáo của Men’s Health, một nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy những người thức đến tận nửa đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn, ngay cả khi họ vẫn ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng. Người thức khuya có xu hướng tiếp xúc với lượng ánh sáng nhân tạo cao hơn từ tivi và điện thoại di động, làm giảm độ nhạy insulin và điều tiết lượng đường trong máu kém hơn. Thức khuya cũng có liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém và mất ngủ, có thể làm gián đoạn quá trình trao đổi chất của bạn.
Chế độ ăn uống thiếu men vi sinh
Betul Hatipoglu, MD, một bác sĩ nội tiết tại Cleveland Clinic, cho biết: “Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng lên khi bạn có nhiều số lượng vi khuẩn xấu hơn số vi khuẩn tốt trong đường ruột. Dạ dày cần vi khuẩn tốt, được gọi là men vi sinh, để tiêu hóa tốt; mức độ thấp có thể dẫn đến viêm và cuối cùng có thể dẫn đến kháng insulin. Hãy ăn các loại thực phẩm như sữa chua, dưa cải bắp và một số loại pho mát để tăng lợi khuẩn”.
Hâm nóng thức ăn thừa trong lò vi sóng
Việc hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế NYU Langone ở Thành phố New York đã phát hiện ra rằng hai hóa chất được sử dụng trong sản xuất bao bì nhựa và hộp nhựa đựng thức ăn mang đi có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các chất hóa học này làm tăng đề kháng insulin, tiền thân của bệnh tiểu đường, cũng như làm tăng huyết áp.
Không tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời
Ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể gây nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Theo một nghiên cứu của Tây Ban Nha, những người thiếu vitamin D dễ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và tiền tiểu đường, bất kể cân nặng của họ là bao nhiêu. Các nhà nghiên cứu tin rằng vitamin từ ánh nắng mặt trời đóng một vai trò trong hoạt động bình thường của tuyến tụy, nơi sản xuất insulin và giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Tiến sĩ Hatipoglu khuyên bạn nên dùng chất bổ sung để tăng cường vitamin D, cũng như ăn các loại thực phẩm giàu vitamin, như cá hồi và sữa hoặc ngũ cốc.
Theo Ngọc Anh (Lao Động)