Trong một buổi chiều muộn, một người phụ nữ gương mặt rủ buồn ngồi than thở với một người phụ nữ khác:
"Tôi đang gặp khó khăn về hôn nhân của chính mình và cảm thấy con thuyền hạnh phúc như va vào đá ngầm. Mối quan hệ của vợ chồng tôi có lúc tốt đẹp, nhưng cũng có lúc chuyển biến theo chiều hướng xấu. Nhắc đến nhà bố mẹ đẻ, tôi luôn duy trì một khoảng cách và không ỷ lại vào bố mẹ của mình. Nhắc đến nhà chồng, chồng tôi là một người nhạy cảm và tôn trọng bố mẹ của anh. Chỉ cần một chút vướng mắc liên quan đến gia đình nhà chồng, anh sẽ "nhảy dựng lên" và buông những lời lẽ cay nghiệt với tôi.
Trước khi tôi và anh kết hôn, tôi đã thăm dò quan điểm của anh về gia đình. Anh nói chuyện rất hùng hồn và cởi bỏ những lo ngại của tôi về sự khác biệt giữa hai người. Điều đó khiến tôi ảo tưởng, vững tin và đồng thuận bước vào hôn nhân với anh. Sau khi kết hôn, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và cứ ngỡ mình đã tìm được người bạn đời lý tưởng.
Không lâu sau, tôi thật sự vỡ mộng bởi anh bắt đầu trở nên xa cách. Trong đầu anh lúc nào cũng muốn thỏa mãn những yêu cầu và dàn xếp của người nhà anh. Và tôi là người mà anh muốn phải phục tùng và răm rắp nghe theo nhà chồng. Nếu tôi phản kháng hoặc có ý đối chọi với gia đình nhà chồng, anh sẽ sử dụng những thủ đoạn tinh vi và bạo lực để khiến tôi khuất phục.
Dạo gần đây, chúng tôi có cuộc tranh cãi gay gắt với nhau. Quan điểm của anh là tôi phải phục tùng bố mẹ của anh, phải hòa nhập vào gia đình nhà chồng. Nhưng điều lạ lùng là anh không làm điều tương tự đối với gia đình nhà vợ. Anh luôn tỏ ra lạnh nhạt, thậm chí tránh né bố mẹ vợ, dường như trong anh có 2 quan điểm khác lạ về gia đình. Tôi không thể chấp nhận cách hành xử của anh đối với bố mẹ của tôi".
Qua câu chuyện của người phụ nữ trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy con thuyền mà chị ngỡ là hạnh phúc không những va vào đá ngầm mà nó đã chìm thật rồi. Và trong thực tế cũng có rất nhiều người phụ nữ khác cũng gặp phải rắc rối tương tự xuất phát từ bất đồng về quan điểm gia đình và nó rất khó hòa giải.
Thông thường những điều mà người phụ nữ mơ tưởng về hôn nhân sẽ là những đồng điệu về tâm hồn, là khoảng cách được rút ngắn, là những cảm thông và chia sẻ... Thế nhưng cuối cùng thứ họ nhận được lại là suy nghĩ của vợ chồng hoàn toàn ở hai thái cực khác nhau. Quan điểm của phụ nữ là các thành viên trong gia đình nên duy trì khoảng cách nhất định sẽ tốt hơn. Nhưng chồng của họ lại có quan điểm khác, anh ta tin rằng các thành viên trong gia đình nên gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời nhau.
Bởi vậy, sau khi kết hôn phụ nữ nghĩ rằng anh ấy sẽ chuyên tâm bù đắp tổ ấm của hai người và duy trì khoảng cách với bố mẹ. Nhưng thực tế, anh ấy đã không làm vậy và khiến hầu hết phụ nữ thất vọng.
Phụ nữ sau khi kết hôn thường nhanh chóng nhận ra rằng: Khi mình gả cho anh ấy, nhà chồng chính là nhà của mình, nhưng nhà bố mẹ vợ lại khônh phải nhà anh ấy. Trong suy nghĩ của các anh chồng, phụ nữ “xuất giá tòng phu” là món sính lễ sau khi cưới là thuộc về nhà anh ấy. Hoặc ngay chính với cha mẹ sinh ra người phụ nữ cũng quan niệm “con gái là con người ta” để “thuyết phục” các cô con gái phải chăm lo chu đáo, nhẫn nhịn ở nhà chồng. Bởi tư duy ấy nên rất nhiều người phụ nữ mặc nhiên phải phục tùng cách nghĩ của chồng và gia đình nhà chồng rằng, phải hiếu thuận với bố mẹ anh ấy và hòa nhập vào gia đình nhà chồng. Nói thẳng ra rằng trong xã hội hiện đại này vẫn có những người chồng xem vợ như món hàng đã mua đứt rồi, nên nếu vợ không phục tùng, không nghe lời sẽ thẳng tay trừng phạt. Còn những người vợ thì cung cúc nghe theo. Vì sao ư? Đơn giản là phụ nữ thường nghĩ mình nhẫn nhịn hy sinh vì chồng, vì con, vì bố mẹ đẻ không phải xấu mặt... Đôi khi có muốn vùng lên phản kháng một chút lại thấy gương mặt con khóc mếu hiển hiện, ánh mắt của bố mẹ đẻ nhìn mình thiểu não... Và thế là nén tiếng thở dài tiếp tục chịu đựng.
Bạo hành tinh thần là thủ đoạn tinh vi và thường gặp nhất khi người chồng áp đặt sự phục tùng, trọng trách của vợ với gia đình anh ta không được đáp ứng. Một khi tư duy ấy đã hình thành và được duy trì, anh ta sẽ chọn cách từ chối đối thoại, không kiên nhẫn, hét ầm ĩ cho đến khi vợ mình chịu khuất phục. Nhiều phụ nữ thường “đánh đổi” sự chiều chuộng của chồng bằng cách trở thành người vợ biết nghe lời, phục tùng theo sự sắp đặt của nhà chồng. Và mặc nhiên khi sự cam chịu diễn ra thì tình thương, sự chiều chuộng của chồng giống như một sự ban ơn, là cơ chế giải thưởng mà anh ấy đặt ra để khuyến khích người bạn đời. Còn khi vợ tỏ ý phản kháng hoặc chống đối nhà chồng, cơ chế trừng phạt sẽ khởi động. Anh chồng sẽ lặp lại cho đến khi bạn đời nghe lời, đánh mất lý trí, trở thành một người vợ xem chồng là trời.
Bởi vậy, nếu phụ nữ rơi vào hoàn cành đó đừng hoài nghi rằng anh ấy có 2 quan điểm khác lạ về gia đình. Thực chất anh ấy chỉ có 1 quan điểm về gia đình là xem anh ấy và người nhà anh ấy là trung tâm. Vợ buộc phải trở người phải quay theo quỹ đạo mà anh ấy đã vạch ra từ trước.
Trong hôn nhân, phụ nữ không cần thiết phải phục tùng nhà chồng hoặc chồng của mình. Điều mà phụ nữ cần làm là nghe theo suy nghĩ của chính mình. Chị em nên khiến bản thân trở nên vui vẻ, không nhất thiết phải chịu ấm ức trong một mối quan hệ nào, bất kể đó là hôn nhân.
Nếu chị em cũng rơi vào trường hợp tương tự như người phụ nữ được dẫn ra trong bài viết này. Cũng cảm thấy hôn nhân giữa hai người không thể tiếp tục thì phải dũng cảm đề xuất cho chồng mình biết suy nghĩ của bản thân, phải lưu giữ bằng chứng ghi âm về hành vi hoặc lời lẽ thô bạo của chồng nếu có. Trong trường hợp mọi sự không thể thay đổi, hãy cân nhắc về cuộc hôn nhân của mình. Nếu anh ấy không thể thay đổi quan điểm gia đình vì bạn, vậy đã đến lúc bạn cần rời khỏi gia đình nhà chồng. Bởi không có lý do gì để bao biện cho hành động coi thường người đầu gối tay ấp của mình. Bạn cũng giống anh ta, được cha mẹ sinh ra, nâng niu và chiều chuộng thì không có cớ gì để bị đối xử như vậy!
Theo Tú Uyên (Helino)