Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương) xác nhận trên Phụ nữ & Pháp luật, vừa tiếp nhận và xử trí bệnh nhân bị dị ứng sau khi ăn tôm biển. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân dù biết bị dị ứng với nhiều tác nhân như tôm đồng, cua đồng, nhộng, hải sản, thời tiết… nhưng lần này vẫn ăn tôm biển vì nghĩ không sao.
Sau khi ăn tôm biển được 30 phút, bệnh nhân đau quặn bụng, hơn 2 tiếng sau đó thì đỏ da, nổi sẩn cục toàn thân, ngứa nên được người nhà cho uống thuốc dị ứng, tình trạng sau đó có đỡ hơn.
Sau 4 giờ, bệnh nhân đau bụng, nôn, đại tiện phân lỏng và được gia đình đốt vỏ tôm biển lấy tro hòa nước uống, sau uống bệnh nhân nôn nhiều và lịm đi. Lý giải nguyên nhân đốt vỏ tôm lấy tro để uống, gia đình cho biết: "Trong làng em toàn làm thế. Bị phản ứng với con gì thì đốt con đó ra uống sẽ khỏi".
Các bác sĩ cho biết, khi vào viện, cô gái trẻ đã ở trong tình trạng gọi hỏi nhưng đáp ứng chậm, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được. Các bác sĩ đã tiến hành tiêm bắp adrenaline không cải thiện, nên phải truyền tĩnh mạch liên tục mới duy trì được huyết áp và tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ, các trường hợp phản vệ hay dị ứng là tình trạng cơ thể phản ứng quá mức với tác nhân bên ngoài (thức ăn, thuốc, nọc ong, phấn hoa, lông chó mèo...). Đối với trường hợp dị ứng khi ăn tôm, các chuyên gia cho biết, trong tôm có chứa một loại protein được gọi là tropomyosin. Dị ứng tôm là tình trạng xuất hiện các triệu chứng dị ứng khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người phản ứng với loại protein này.
Cụ thể, trường hợp bị dị ứng với tôm và ăn loại thực phẩm này thì các kháng thể sẽ kích hoạt giải phóng histamine nhằm mục đích tấn công tropomyosin. Từ đó, gây ra một số triệu chứng với mức độ khác nhau, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tình trạng dị ứng với tôm có thể xảy ra ở cả đối tượng người lớn và trẻ em. Cùng với đó, cũng có thể đột ngột xuất hiện ngay cả khi chưa từng gặp phải vấn đề gì khi ăn tôm trước đó.
Các triệu chứng phản vệ gặp chủ yếu trên các cơ quan
- Da: Đỏ da, sẩn ngứa, phù mi mắt, đầy lưỡi...
- Tiêu hoá: Đau quặn bụng, nôn, đại tiện phân lỏng...
- Hô hấp: Khó thở, thở nhanh, thở rít, ngừng thở...
- Tim mạch: Mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc tăng, ngừng tim...
- Thần kinh: Là hậu quả của các cơ quan trên: giảm ý thức, hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ...
Khi có biểu hiện của các cơ quan ngoài da là phản vệ nặng, sẽ tiến triển rất nhanh, có thể nguy hiểm đến tính mạng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Những người từng bị dị ứng, cần tránh tiếp xúc lại với tác nhân gây dị ứng. Khi có triệu chứng dị ứng, cần dừng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng ngay lập tức, nếu muộn bệnh nhân có thể nguy kịch...
Những người không nên ăn tôm
Người đang bị ho
Ăn tôm khi đang bị ho sẽ khiến bệnh càng nặng hơn bởi hệ hô hấp của những người đang bị ho rất dễ phản ứng với vị tanh từ tôm khiến tình trạng ho sẽ dai dẳng lâu khỏi. Trường hợp nếu bị ho do dị ứng bạn nên kiêng tôm cho đến khi tình trạng ho chấm dứt vì đôi khi hiện tượng ho có thể do hậu quả của dị ứng thực phẩm.
Người bị đau mắt đỏ
Theo bác sĩ chuyên khoa, ăn tôm khi bị đau mắt đỏ sẽ làm tình trạng đau mắt đỏ trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế các loại hải sản có mùi tanh khác như cua, mực, cá…
Người có hàm lượng cholesterol cao
Trong 100gr tôm có chứa tới 152mg Cholesterol vì thế với những ai có hàm lượng Cholesterol cao, máu nhiễm mỡ hay có tiền sử các bệnh liên quan đến tim mạch thì không nên ăn nhiều tôm.
Người yếu bụng
Khi ăn đồ lạnh hay bị tiêu chảy hoặc dạ dày, đường ruột nhạy cảm với hải sản thì nên hạn chế ăn tôm. Nếu ăn quá nhiều tôm sẽ xuất hiện đau bụng, tiêu chảy.
Người mắc bệnh gút, tăng acid uric máu và viêm khớp
Không nên ăn hải sản nhiều vì nếu dung nạp lượng purine quá mức, chúng sẽ dễ lắng đọng các tinh thể acid uric trong khớp khiến cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Người đang bị hen suyễn
Ăn tôm có thể gây kích ứng vùng họng, co thắt cơ khí quản. Vì thế, những người bị hen suyễn tốt nhất không nên ăn tôm để tránh bị lên cơn hen suyễn.
Người đang có triệu chứng viêm
Trong tôm có chứa các chất khiến cho chứng viêm nặng thêm. Bệnh nhân bị bệnh về u xơ tử cung không nên ăn tôm, cua và các loại hải sản khác.
Người bị cường giáp, có vấn đề về tuyến giáp
Trong tôm cũng như các hải sản khác có nhiều I-ốt có thể làm bệnh về tuyến giáp trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, nếu có vấn đề về tuyến giáp bạn nên hạn chế ăn tôm.
Người bị dị ứng hải sản
Những người bị dị ứng hải sản không loại trừ khả năng dị ứng với tôm dễ gây nổi mẩn đỏ hoặc các nốt sưng sau khi ăn nhiều chất đạm, đặc biệt là các loại tôm con nhỏ. Nếu từng bị hiện tượng này, bạn nên chú ý khi ăn, hoặc không nên ăn.
Mặc dù tôm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng phải là những thực phẩm tươi ngon, không bị nhiễm khuẩn. Những con tôm bị chết, ôi, ươn, hoặc nhiễm khuẩn thường không những không có giá trị dinh dưỡng mà còn có thể gây ngộ độc khi ăn, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngoài ra, ngay cả người bình thường cũng không nên ăn quá nhiều tôm. Bởi vì tôm rất giàu đạm canxi photpho acid béo không cholesterol và các chất khoáng nhưng ăn quá nhiều sẽ gây khó tiêu rối loạn tiêu hóa.
PN (SHTT)