Báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn nguồn theo thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), trong vài tháng trở lại đây số bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm ký sinh trùng có chiều hướng gia tăng. Trong đó, đáng lưu ý là số người bị ấu trùng giun sán chó mèo và sán lá gan lớn có tỷ lệ không hề nhỏ. Đây là hai loại ký sinh trùng lây nhiễm qua việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh.
Điển hình như trường hợp của cô gái trẻ tên Thủy (24 tuổi, quê Hưng Yên) nhập viện với tâm lý vô cùng lo lắng vì có biểu hiện đau thượng vị lan sang vùng hạ sườn. Ngoài ra, Thủy còn có biểu hiện đại tiện máu, vàng mắt, sụt cân, ăn uống không ngon, mất ngủ nên gia đình nghĩ đến bệnh về gan.
Đầu tiên, Thủy đi khám tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội và bị nghi ngờ mắc bệnh về đường mật. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp chiếu chuyên sâu, các bác sĩ nhận thấy gan bệnh nhân bị tổn thương do bị nhiễm sán lá gan lớn. Chính điều này đã khiến gan bị tổn thương, từ đó gây đau bụng, vàng mắt, vàng da...
Tại bệnh viện, qua khai thác tiền sử dịch tễ và thói quen sinh hoạt, bệnh nhân cho biết thi thoảng có đi ăn hàng quán, mỗi lần ăn sáng cô đều ăn rau sống - tái, trong đó có các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau muống chẻ, cần nước. Hiện sau khi điều trị chuyên ngành, nữ bệnh nhân đã giảm các tình trạng vàng mắt, vàng da, ăn uống ngon miệng hơn.
Một trường hợp khác là một nam bệnh nhân 50 tuổi, ở Thái Bình, bị đau bụng âm ỉ, sụt cân, đi khám phát hiện có khối u trong bụng và được bác sĩ khuyên đi khám ung thư. Khi đó, người đàn ông này vô cùng sốc và lo lắng, vì tuổi còn trẻ, gia đình không có ai có tiền sử từng bị ung thư gan.
Đi khám ở Hà Nội, các bác sĩ phát hiện khối u không phải là ung thư, nguyên nhân là do sán lá gan làm tổ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về BV Đặng Văn Ngữ điều trị. Bệnh nhân cho biết, ông thường xuyên ăn các loại rau sống, nhất là một số loại rau nhà trồng được như rau rút, rau muống và gia đình hay làm món nộm.
Ghi nhận trên Gia Đình & Xã Hội, theo các bác sĩ, khi bị nhiễm sán lá gan biểu hiện ban đầu thường không đặc hiệu, khó nhận biết. Thậm chí, nhiều trường hợp khi có biểu hiện thì nhầm lẫn sang bệnh khác.
Với sán lá gan, biểu hiện khi còn nhẹ thường chỉ là thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn. Trường hợp nặng hơn có thể có cơn đau quặn bụng, đôi khi đau dữ dội, thậm chí là bị rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm đường mật…
Hiện sau thời gian điều trị, nữ bệnh nhân đã giảm các tình trạng vàng mắt, vàng da, ăn uống ngon miệng hơn.
Người bị nhiễm sán lá gan nguy hiểm như thế nào?
Theo các bác sĩ, sán lá gan ở người là bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
- Đối với sán lá gan lớn, sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng sẽ giải phóng ra các ấu trùng. Các ấu trùng này xuyên qua thành tá tràng, vào ổ bụng rồi di chuyển đến sinh trưởng và phát triển ở nhu mô gan. Trong quá trình ký sinh ở gan, sán lá gan tiết ra các chất độc làm phá hủy nhu mô gan, gây áp xe gan.
Sau khoảng 2 - 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán có thể chui vào đường mật, tiếp tục phát triển và đẻ trứng trong một khoảng thời gian rất dài. Nếu không được phát hiện và điều trị, sán lá gan lớn có thể gây bệnh ung thư đường mật. Một số ít trường hợp, ấu trùng sán lá gan lớn di chuyển lạc chỗ và gây bệnh ở một số cơ quan khác như da, cơ, khớp, vú, dạ dày, đại tràng,...
- Đối với sán lá gan nhỏ, sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật. Từ khi ăn phải nang trùng đến khi sán trưởng thành có khả năng đẻ trứng chỉ khoảng trong một tháng. Sán ký sinh trong những ống dẫn mật trong gan, mỗi sán lá gan nhỏ có hai mồm hút, bám chặt trong gan để chiếm thức ăn, gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan và ống mật như xơ gan, tắc mật, xơ cứng ống dẫn mật,... Nếu không được điều trị, bệnh sán lá gan nhỏ có thể gây xơ gan cổ trướng, áp xe gan thoái hóa, đây là những bệnh lý rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Kiểm soát đường ăn uống để ngăn ngừa sán lá gan
- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn gỏi cá và các món ăn chế biến từ cá, cua nếu chưa được nấu chín hoàn toàn. Không uống nước lã, không ăn gan các loài động vật chưa được nấu chín.
- Hạn chế ăn sống các loại rau mọc dưới nước như rau ngổ, rau om, cải xoong, rau cần, ngó sen,... Đặc điểm của sán lá gan lớn là bám rất chắc vào trong thành rau, nên dù có rửa kỹ dưới vòi nước chảy trực tiếp vẫn khó loại bỏ sán. Các loại rau thủy sinh này cần phải được nấu chín trước khi ăn. Nhiệt độ sẽ tiêu diệt các ấu trùng sán lá gan có trong rau và không gây hại đến sức khỏe khi ăn.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường, không thả phân tươi xuống ao nuôi cá, không phóng uế vào các nguồn nước.
- Người có triệu chứng nghi ngờ phải được khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh kéo dài gây nguy hiểm cho bản thân và tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
PN (Nguoiduatin.vn)