Thời gian gần đây có nhiều vụ việc người trẻ bị chết đột tử vì làm việc quá sức. Sự ra đi đầy tiếc nuối của những ngôi sao như Cao Dĩ Tường hay hai thần tượng giới trẻ Hàn Quốc Sulli và Goo Hara và mới nhất đây là chuyện một chàng trai Việt 31 tuổi làm nghề dựng phim đột ngột qua đời vì làm việc liên tục 40 giờ đồng hồ đã làm nhiều người bàng hoàng, xôn xao dậy sóng.
Cụm từ "chết vì làm việc quá sức" đã không còn xa lạ đối với con người trong xã hội hiện tại. Vậy nên đã đến lúc chúng ta cần dừng lại và dành thời gian suy nghĩ: Chúng ta đang làm việc để sống hay để chết? Và làm việc thế nào là thông minh, làm để nâng cao chất lượng cuộc sống?
Biết làm việc điều độ và có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng tốt
Có một sự thật rằng, hầu hết những người trẻ qua đời đột ngột chính là do chủ quan. Vì họ đang trong độ tuổi thanh xuân, sung sức. Họ khát khao kiếm tiền, danh tiếng nên nhiều người lầm tưởng rằng cơ thể sẽ không ảnh hưởng nhiều. Từ đó, họ không coi trọng việc chăm sóc bản thân và nghỉ ngơi hợp lý. Rất nhiều người không chơi thể thao, không nghỉ ngơi đúng cách và luôn trong trạng thái "không có thời gian".
Theo Ths.BS Nguyễn Ngọc Tuấn – Bác sĩ điều trị tại khoa Khớp - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh thì con người làm việc để nâng cao chất lượng cuộc sống điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm việc điều độ. Ví dụ như quy định của xã hội là ngày làm việc 8 giờ, một số đất nước còn quy định chỉ làm 6 hoặc 7 giờ/ngày. Bởi làm việc quá sức thường dẫn tới cảm giác kiệt sức và mệt mỏi bởi căng thẳng đè lên cả cơ thể và trí óc. Dấu hiệu của việc mệt mỏi do làm việc quá sức là bạn thức dậy vào buổi sáng mà hoàn toàn không có chút năng lượng nào, uống quá nhiều caffein để có thể "sống sót" qua ngày hoặc thường cảm thấy buồn ngủ ở công ty.
Do vậy, mỗi ngày bạn nên tập thể dục tối thiểu 15 phút, mỗi tuần nên có ít nhất 1 ngày nghỉ ngơi hoàn toàn, đi bộ, thư giãn hoặc làm việc riêng theo sở thích. Khi quá bận thì nên dành ít phút thư giãn, dù chỉ là ngồi một chỗ và nhắm mắt lại, hít thở, hoặc chợp mắt ngắn ngủi. Bạn hãy xem nghỉ ngơi cũng là một "công việc", bạn cần phải lập kế hoạch cho nó. Khi mệt thì nên nghỉ, để sau đó làm việc với hiệu suất cao hơn.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc rất quan trọng. Môi trường làm việc an toàn, tạo sự thoải mái cho người lao động, năng suất lao động sẽ cao lên. Khi mọi người hòa thuận, vui vẻ thì làm kết quả công việc nhất định sẽ tốt.
Ngoài ra, người lao động cần có chế độ ăn uống, dinh dưỡng tốt, ngủ đủ giấc để phục hồi sức khỏe. Thực tế cho thấy, nếu tăng ca nhiều thì người lao động sẽ không đủ sức để phục hồi lao động, năng suất làm việc kém ảnh hưởng đến sức khỏe chưa kể đến việc không có thời gian chăm sóc gia đình khiến gia đình bị rối loạn. Điều này tác động ngược trở lại làm cho cho năng suất lao động kém đi.
Tâm lý ảnh hưởng đến năng suất lao động
Ths.Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, trong ngành sản xuất công nghệ cao, ví dụ như xe máy hoặc xe hơi có màu xanh, màu xanh lá cây, màu bầm lạ. Những chiếc xe này khi ra bán ngoài thị trường sẽ có giá rẻ hơn nhưng nhà sản xuất vẫn chấp nhận trong dây chuyền sản xuất có những chiếc xe màu vậy, vì người ta đã nghiên cứu tâm lý người công nhân khi làm mãi chiếc xe một màu sẽ bị ức chế, năng suất lao động đi xuống thì lâu lâu họ thêm chiếc xe có màu khác để thay đổi tâm lý mà năng suất lao động lại tăng lên.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, những người làm việc văn phòng không được ngồi quá lâu, không nên căng thẳng, tư thế ngồi cần thoải mái. Hiện nay, nhiều văn phòng giờ có sân chơi giống như của con nít, có những chỗ treo bóng, tạo tâm lý thoải mái để họ sáng tạo, không bị gò bó. Họ quản lý công việc theo năng suất lao động chứ không quản lý theo giờ.
Ở Nhật, người ta có cụm từ Karōshi. Ở Trung Quốc, đó là guolaosi và ở Hàn là gwarosa. Cả 3 cụm từ đều có nghĩa là "làm việc đến chết", hay ngắn gọn hơn là lao lực.
Điều này có nghĩa là con người ta có thể thực sự chết vì làm việc quá sức, và hiện tượng ấy thực sự rất phổ biến khi nó tồn tại ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, có tới 190 người đã chết vì nguyên nhân trên vào năm 2017, trong đó nhiều vụ là tự tử do áp lực công sở quá khủng khiếp. Khoảng 90% số ca tử vong là do nạn nhân đã làm thêm ít nhất 80 giờ trong tháng trước đó. Một nửa số ca trên thậm chí làm việc hơn 100 giờ. Điển hình là nữ nhân viên Matsuri Takahashi, 24 tuổi. Cô bị suy sụp tinh thần dẫn đến tự sát do làm việc quá sức tại Dentsu, một công ty quảng cáo lớn. Theo báo cáo, Takahashi đã làm việc hơn 105 giờ/tháng.
Bắt đầu từ tháng 4/2019, Nhật Bản áp dụng luật cải cách lao động mới, trong đó quy định chặt hơn về thời gian làm việc ngoài giờ. Giờ đây, người lao động sẽ chỉ được làm tối đa 45 giờ/tháng và 360 giờ/năm. Động thái trên là nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt làm việc quá sức đang phổ biến ở nước này.
Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)