Nhà sư 40 tuổi bắt đầu làm việc tại chùa từ năm 2008 và trở nên trầm cảm vào tháng 12/2015 vì khối lượng công việc khổng lồ bao gồm phục vụ các du khách tham quan. Theo luật sự Noritake Shirakura, nhà sư này từng phải làm việc không ngừng nghỉ trong hơn 2 tháng. Nhà sư yêu cầu khoản bồi thường 8,6 triệu yên (khoảng 1,7 tỷ VND) từ ngôi chùa linh thiêng tọa lạc tại núi Koya thuộc tỉnh Wakayama, Nhật Bản.
“Nếu bạn là một nhà sư, bạn sẽ không có giờ làm việc cố định”, AFP dẫn lời luật sư Shirakura ngày 17/5. “Bạn cung cấp sức lao động, nhưng sự lao động của bạn lại được coi là một phần trong quá trình tu tập. Và nếu đã là tụ tập, bạn bắt buộc phải chịu đựng dù kham khổ đến đâu. Qua vụ kiện, chúng tôi muốn khẳng định rằng quan niệm này đã lỗi thời”.
Luật sư Shirakura từ chối tiết lộ danh tính thân chủ với lý do nhà sư vẫn muốn trở lại làm việc trong cộng đồng Phật giáo của mình.
Theo lập luận trong vụ kiện, nhà sư đã bị ép làm việc nhiều hơn cần thiết. Trong dịp kỉ niệm 1.200 năm thành lập vào năm 2015, nhà sư đã bị vắt kiệt sức trong suốt 64 ngày để tiếp đón một lương khách tham quan lớn. Có những ngày nhà sư phải làm việc liên tục trong 17 tiếng, luật sự Shirakura cho biết.
Nhà sư đã giành được sự ủng hộ của một cơ quan lao động địa phương. Họ thừa nhận những khoảng thời gian làm việc dài mà không có ngày nghỉ là biểu hiện của tình trạng lao động quá sức.
Làm việc quá sức là một vấn đề lớn ở Nhật Bản, thậm chí trong văn hóa của xứ sở "Mặt trời mọc" còn có một từ để chỉ cái chết do lao động kiệt sức là “karoshi”. Giờ đây, không chỉ có nhân viên văn phòng mà cả nhà sư cũng lên tiếng về việc kiệt sức do làm việc triền miên. Vào năm 2017, ngôi chùa Higashi Honganji nổi tiếng ở Kyoto đã phải công khai xin lỗi vì thiếu sót trong việc trả lương ngoài giờ cùng những hành động bạo hành khác.
Theo một báo cáo của chính phủ Nhật vào năm ngoái, có 191 vụ “karoshi” (tử vong vì làm việc quá sức) trong 12 tháng kể từ tháng 3/2017, và có hơn 7% người Nhật Bản lao động 20 tiếng nhiều hơn thời gian làm việc chính thức trong tuần.
Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã đề ra nhiều chương trình cải cách nhằm giải quyết vấn nạn "karoshi" như giới hạn số giờ làm thêm, nhưng những gia đình từng mất đi người thân cảm thấy những cố gắng này chưa mang đến hiệu quả.
Theo Tri Thức Trực Tuyến